Trùm bất động sản Capel bị bắt: Thêm một “cái chết” được báo trước và lời cảnh báo cho nhà đầu tư
Định danh dữ liệu đất đai để minh bạch thị trường bất động sản Thị trường bất động sản: Nhìn người mà ngẫm cho ta |
Có thể nói năm 2023 là năm "lộ sáng" của nhiều đối tượng dính dáng đến hành vi lừa đảo trong đầu tư bất động sản hơn bất cứ thời gian nào khác. Danh sách các đối tượng này lại vừa được nối dài thêm với cái tên Capel.
Những ai ham mê xuống tiền cho những dự án đầu tư bất động sản không lạ gì cái tên Capel. Được thành lập không lâu, song Tập đoàn Capel tự cho mình như một “ngôi sao” bằng những chiêu ưu đãi có một không hai qua lời nhân viên môi giới của Capel.
Một buổi giới thiệu "dự án" của Capel. |
Rằng, với phương thức phân chia lợi nhuận theo ngày, nhà đầu tư có thể chọn các gói từ 24 triệu đồng đến 240 tỷ đồng (tương ứng các gói từ 1.000 - 10.000.000 USD). Theo lời quảng bá của nhân viên môi giới Tập đoàn Capel, nhà đầu tư phải nộp tiền xong mới ký hợp đồng và hưởng lợi nhuận 12,5%/tháng.
Không dừng lại ở đây, để kích thích, dẫn dụ lòng tham của khách hàng, nhân viên môi giới nói thời điểm “hiện tại” góp vốn mới được hưởng lợi nhuận 12,5%/tháng, nếu chậm chân sẽ không được hưởng "ưu đãi" đó nữa mà mức lợi nhuận sẽ giảm còn 8,5%/tháng.
Kết quả điều tra của nhà chức trách cho hay, từ 20/4/2021 đến 18/4/2022, Lã Quốc Trưởng đã ký kết 7.959 “hợp đồng hợp tác kinh doanh”, kêu gọi góp vốn của các nhà đầu tư với tổng số tiền hơn 702 tỷ đồng. Các “dự án” bất động sản của Capel liên tục được “bùng nổ” tại các hội thảo, các buổi tư vấn lẫn các chuyến đi “thực địa” của các dự án.
“Cái chết” của Capel được rõ ra từ thời điểm ngày 20/4/2022 với thông báo của tập đoàn này. Theo đó, tất cả các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh từ ngày công ty mới thành lập cho đến hết ngày 20/4/2022, công ty “tạm ngừng chuyển tiền phân chia lợi nhuận theo ngày trong thời gian 2 tháng và thay bằng việc chuyển sang chế độ phân chia lợi nhuận theo tháng”.
Nhưng thực chất không phải đợi tới thời điểm đó, “cái chết” của Capel mới được lộ sáng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc huy động vốn của Tập đoàn Capel khó có thể đạt được lợi nhuận 150% năm để chi trả cho người gửi tiền, các hình thức đầu tư mà lợi nhuận mang về hơn chục lần lãi suất ngân hàng. Hơn thế nữa, nếu chịu khó vào trang mạng của Capel, nhà đầu tư có thể thấy năm 2019, 2020 và 3 quý đầu năm 2021, doanh nghiệp này không ghi nhận doanh thu.
Hiện với việc bắt ông “trùm” Lã Quốc Trưởng, cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Có thể nói cơ chế bán nhà trong tương lai của thị trường bất động sản Việt Nam đã được không ít các đối tượng tận dụng triệt để phục vụ cho việc lừa đảo, hình thức rất không mới theo kiểu Ponzi là lấy của người trước chia cho người sau cốt để thoả mãn nhu cầu của cá nhân. Khi không còn khả năng chi trả thì sẵn sàng lật kèo bằng những “thông báo” thay đổi hình thức chia lợi nhuận. Với Capel chiêu lật kèo còn được nguỵ trang bằng hình thức mỹ miều rằng là “để tập trung nguồn lực tài chính cho các dự án khu du lịch sinh thái, trồng rừng” (!).
Thiếu thông tin và loá mắt trước những mức sinh lời, không ít người đầu tư bất động sản không hề tỉnh táo, sẵn sàng xuống tiền cho các dự án “ma” được tô vẽ bởi những nhân viên quảng cáo, môi giới. Số tiền đó chưa bao giờ là nhỏ. Chính sự mất tỉnh táo và có cả lòng tham đã tạo cơ hội, tạo dư địa cho các ông “trùm” đất đai với tâm thế đầy bất lương sẵn sàng biến tiền của thiên hạ thành tờ giấy thẩm cho lòng tham vô độ của mình.
Câu chuyện như của Capel, Tân Hoàng Minh, Hương Sen, Nhật Nam và nhiều vụ việc khác đã được nói đến nhiều, phân tích nhiều thiết nghĩ không cần nói dài thêm, nói nhiều thêm. Nếu có gì đó cần nói thêm thì đó là việc trước những rủi ro của bất động sản hiện nay, việc có một cơ sở dữ liệu về các dự án bất động sản mang tính chính thống, đáng tin cậy ngày càng trở nên cần thiết để nhà đầu tư, người xuống tiền có thể trông vào đó mà cân nhắc, đưa ra quyết định.
Tiếc thay, Việt Nam chưa có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy như thế!