Vụ Vạn Thịnh Phát:
Lavifood đóng vài trò gì để Trương Huệ Vân chiếm đoạt hàng nghìn tỷ từ Ngân hàng SCB?
Liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, năm 2021 bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại Công ty Lavifood (Lavifood) từ ông Lê Thành để hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Trương Huệ Vân (trái) và Trương Mỹ Lan (phải). Ảnh: Bộ Công an |
Tiếp đó bà Lan giao cho Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan) quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long, Tổng giám đốc Lavifood (được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần) và Đặng Quang Nguyên, Phó Tổng giám đốc Lavifood.
Quá trình hoạt động, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trương Huệ Vân sử dụng pháp nhân Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác.
Từ năm 2020, bà Lan còn chỉ đạo Trương Huệ Vân cho thành lập các công ty “ma”, thông đồng với Trần Thị Mỹ Dung lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của Trương Mỹ Lan (Phó Tổng giám đốc SCB) và Trương Huệ Vân.
Do đó, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo Nguyễn Phi Long và Đặng Quang Nguyên thành lập, sử dụng 52 công ty “ma”; phối hợp với Trần Thị Mỹ Dung và nhân viên SCB để lập hồ sơ vay vốn trái quy định.
Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới thành lập, sử dụng 52 công ty “ma” và 4 công ty có hoạt động thật, tạo lập 155 khoản vay khống để Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân rút tiền từ Ngân hàng SCB. Tính đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.834 tỷ đồng (gồm dư nợ gốc 2.809 tỷ đồng và dư nợ lãi 25 tỷ đồng).
Tuy nhiên, các khoản vay này có tài sản đảm bảo nên xác định Trương Huệ Vân đồng phạm giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ.
Về Lavifood, công ty này được thành lập vào tháng 6/2014 với vốn điều lệ 30 tỷ đồng; gồm 3 cổ đông sáng lập là: Công ty TNHH Thương mại Thiện Nhân (50%), ông Phạm Ngô Quốc Thắng (40%), bà Phạm Ngô Hoàng Thùy Trang (10%). Người đại diện theo pháp luật lúc này là ông Phạm Ngô Quốc Thắng (SN 1981) - Tổng giám đốc.
Sau nhiều thay đổi, đến ngày 20/1/2021, ông Lê Thành (SN 1974) giữ chức Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Lavifood thay cho ông Đặng Ngọc Cẩn (SN 1957).
Và 5 ngày sau đó (ngày 25/1/2021), ông trở thành Chủ tịch HĐQT công ty, đồng thời tăng vốn Lavifood từ 400 tỷ đồng lên mức 1.030 tỷ đồng. Chỉ 3 ngày sau (ngày 28/1/2021), Lavifood tiếp tục tăng vốn lên mức 2.880 tỷ đồng.
Thế nhưng, chỉ sau đó hơn 1 tháng, đến cuối tháng 2/2021, doanh nhân Lê Thành không còn ngồi "ghế nóng" của Lavifood nữa, thay vào đó, ông Nguyễn Phi Long (SN 1975) trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp. Ông Long được biết là người có liên quan đến “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
Đến tháng 6/2022 - trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt chỉ vài tháng (tháng 10/2022), ông Lê Thành lại quay lại làm Chủ tịch HĐQT Lavifood.