Đổi mới quản trị - yếu tố quan trọng để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiệu quả
Tăng cường công tác quản trị công ty tại DNNN thay vì tập trung vào quản lý vốn nhà nước như hiện nay Ảnh: ST |
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản trị tại DNNN
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), việc hoàn thiện pháp luật về quản trị công ty trong DNNN đóng vai trò không nhỏ trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNNN. Tuy nhiên, hiện cơ sở pháp lý về quản trị công ty trong DNNN tại Việt Nam vẫn tồn tại một số bất cập như: chưa thực sự thừa nhận quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của DNNN, chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu; chủ sở hữu nhà nước vẫn can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Tiêu chuẩn bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp cũng cho thấy bất cập khi công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại các DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có vốn nhà nước chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay. Hiện vẫn chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt.
Theo Th.S Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), đổi mới quản trị là một trong những yếu tố giúp cho khu vực DNNN nâng cao hiệu quả, hoàn thành khá tốt nhiệm vụ là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước giữ vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã xuất hiện những tấm gương điển hình về quản trị hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, trước hết là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước ngành viễn thông, công nghệ, các ngân hàng thương mại nhà nước và các DNNN niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những kết quả đáng khích lệ đó có sự đóng góp quan trọng của việc đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản trị DNNN. So với giai đoạn trước năm 2010, khung khổ quản trị DNNN ở nước ta đã thay đổi căn bản và phù hợp hơn với yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, hiện vấn đề quản trị tại DNNN đang có nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, mục tiêu hoạt động của nhiều DNNN chưa rõ ràng trên thực tế, gây khó khăn cho hoạt động quản trị, trong khi mục tiêu hoạt động là yếu tố quyết định để tổ chức công tác quản trị DNNN. Theo Th.S Phạm Đức Trung, ở nước ta, vẫn còn nhiều DNNN chưa có mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, một số tập đoàn, tổng công ty lớn còn đan xen giữa nhiệm vụ kinh doanh với nhiệm vụ chính trị - xã hội, dẫn tới khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động của DNNN cũng như trong thực hành quản trị DNNN theo thông lệ chung. Đây cũng là một trong những yếu tố làm chậm tiến trình áp dụng cơ chế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập đối với một số ngành, lĩnh vực. Điển hình là việc xây dựng và vận hành giá điện theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, thực hành quản trị DNNN của cơ quan đại diện chủ sở hữu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, thiếu hiệu quả; thực hiện công bố thông tin của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn hạn chế so với yêu cầu của pháp luật; hoạt động quản lý, điều hành, giám sát, kiểm tra trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn nhiều vướng mắc.
Đẩy mạnh cổ phần hóa để thuận lợi hơn trong áp dụng thông lệ tốt về quản trị DNNN
Đề xuất các giải pháp liên quan đến hoàn thiện khung pháp lý về quản trị công ty trong DNNN, Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 trong thời gian tới đang là cơ hội cho việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp; hướng tới áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp trong điều kiện thực tế ở Việt Nam, cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư; tăng cường bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu, nhà đầu tư và bên có liên quan, đồng thời vẫn phải đảm bảo việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cao.
Trong đó, mục tiêu xây dựng chính sách là tăng cường công tác quản trị công ty tại DNNN thay vì tập trung vào quản lý vốn nhà nước như hiện nay. Theo đó, cho phép DNNN có quyền tự chủ hoàn toàn trong hoạt động để đạt được các mục tiêu đã xác định và hạn chế sự can thiệp vào hoạt động điều hành doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn nhà nước, hội đồng thành viên (HĐTV) hoặc hội đồng quản trị (HĐQT), tổng giám đốc doanh nghiệp gắn với quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và lãnh đạo doanh nghiệp. Cùng với đó, quy định trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu về kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất - kinh doanh và cho phép doanh nghiệp tự quyết định theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động để tuyển dụng hoặc thuê nhân lực chất lượng cao; xem xét thí điểm sử dụng tổng giám đốc nước ngoài tại một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty; cử thành viên HĐTV độc lập tham gia điều hành. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác...
Kiến nghị giải pháp cho vấn đề này, Th.S Phạm Đức Trung cho rằng, mô hình DNNN đa sở hữu là công ty cổ phần có nhiều thuận lợi hơn DN 100% vốn nhà nước trong việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt về quản trị công ty nói chung, quản trị DNNN nói riêng. Do vậy, về lâu dài vẫn cần đẩy mạnh cổ phần hóa để thuận lợi hơn trong việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị DNNN, hoàn thành mục tiêu hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần (ngoại trừ các DN hoạt động công ích, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận) theo tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành DNNN, toàn bộ các DNNN là công ty cổ phần vận dụng quy định pháp luật về quản trị công ty đại chúng. Áp dụng công nghệ điển hình của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào công tác quản trị của cơ quan đại diện chủ sở hữu và DNNN.