Làm đường cao tốc: Đừng để một chủ trương lớn bị mang tiếng
Đường cao tốc nhiều bất cập: Trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải đến đâu? Thu phí đường cao tốc xây bằng ngân sách: Vì sao bị phản ứng? Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cao tốc Nam Định - Thái Bình |
Trong nhiệm kỳ này của Chính phủ, việc đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống đường cao tốc được Chính phủ đặc biệt quan tâm và coi đây là chủ trương lớn.
Theo Bộ Giao thông vận tải, thực tế đã chứng minh việc đưa các cao tốc vào khai thác mang lại những lợi ích to lớn cho xã hội.
Tính toán việc lưu thông trên 3 tuyến đường cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh -Trung Lương và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây so với các tuyến quốc lộ song hành cho thấy mỗi phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ tiết kiệm khoảng 5.265 đồng/km; trong đó, 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa, hành khách trên đường. Đối với người sử dụng sẽ tiết kiệm được thời gian và tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện.
Cùng đó nhờ hạ tầng đường cao tốc đang được đầu tư hoàn chỉnh, nên chi phí logistics đã giảm đáng kể và có những thay đổi tích cực. Riêng năm 2022, chi phí logistics chiếm khoảng 16,8% GDP, mức này đã giảm đáng kể so với năm 2018 (khoảng 21% GDP).
Tuy nhiên việc thi công đặt trong bối cảnh 3 ca liên tục, xe vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ thi công lại là những phương tiện “siêu trọng”, thời gian thi công ngắn nên những bất cập về môi trường, môi sinh cũng như các hiện tượng rung nứt nhà dân, hỏng đường dân sinh là không thể tránh khỏi.
Vấn đề là bộ chủ quản mà trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải đã trù liệu những giải pháp gì để giảm thiểu tối đa những vấn đề dân sinh nêu trên để không tái diễn hình ảnh phía sau những tuyến đường cao tốc đẹp đẽ về hình ảnh lẫn vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế khi hoàn thành là những con đường dân sinh biến thành những “con đường đau khổ”, những ngôi nhà vá víu cùng nỗi lo an toàn của người dân.
Việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường cao tốc được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ảnh minh hoạ |
Câu chuyện thi công đường cao tốc gây nứt nhà dân là câu chuyện không mới và lại vừa được xuất hiện trên diễn đàn Quốc hội trong phiên trả lời chất vấn. Trả lời cho câu hỏi này, tư lệnh ngành Giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lại khẳng định rằng, những bất cập như đại biểu Quốc hội nêu là “không thể chấm dứt được” và một trong những giải pháp được vị Bộ trưởng này đưa ra là “gửi thư mong người dân thông cảm”.
Tất nhiên vị Bộ trưởng này cũng không quên “thòng” một câu là đã bố trí đủ kinh phí để giải quyết những hiện tượng bất cập khiến người dân bức xúc khi thi công các tuyến cao tốc.
Không rõ dự toán cho công tác giải quyết những bất cập và mức bồi thường cho những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khi thi công cao tốc được bố trí thế nào, thể hiện như thế nào trong các tổng dự toán thi công đường cao tốc nhưng tin rằng nếu nó có được các con số cụ thể mang tính “chính danh” thì hẳn những bức xúc, thậm chí là khiếu kiện liên quan đến bồi thường ở các mức độ khác nhau đã có thể được giảm thiểu. Để từ đó bảo đảm tiến độ thi công, bảo đảm tình hình an ninh trật tự địa phương nơi những tuyến đường cao tốc sẽ đi qua.
Đẩy nhanh và hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc rõ ràng là nước được lợi, tỉnh được lợi và chính người dân sở tại cũng được lợi. Điều này đã rõ ràng, chủ trương lớn này đã phát huy tác dụng rõ ràng.
Vấn đề quan trọng nhất là kinh phí thi công, nguyên vật liệu thi công không còn là nỗi lo. Vấn đề còn lại là Bộ Giao thông vận tải cần quyết liệt không chỉ trong thi công mà còn cả trong việc giải quyết kịp thời những bất cập, những bức xúc liên quan đến đời sống dân sinh như đã thấy. Đừng để một chủ trương lớn, hợp lòng dân bị mang tiếng.