Lãi suất tiết kiệm khó giảm mạnh trong nửa đầu năm
Lãi suất tiết kiệm tăng nóng, gần chạm mức 10%/năm Tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm ở hầu hết ngân hàng |
Còn tình trạng cộng thêm biên độ lãi suất
Trên bảng niêm yết, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất tiết kiệm về mức tối đa 9,5%/năm đối với kỳ hạn dài ngày trên 1 năm và chạm trần 6%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh khá gay gắt, các ngân hàng đã ra sức chào mời những gói tiền gửi hấp dẫn, lãi suất có nơi đã trên 9-9,35%/năm kỳ hạn 6-12 tháng.
Ở kỳ hạn 1-3 tháng, các ngân hàng có mức lãi suất cao nhất 6%/năm cụ thể là Bắc Á, Đông Á, Kiên Long, PGBank, SCB, VIB, VietCapitalBank… Với kỳ hạn 6 tháng, Đông Á giữ mức lãi suất cao nhất là 9,35%; MB đưa ra mức thấp nhất 5,7%. Tại các ngân hàng thuộc Big4, BIDV, Vietcombank và VietinBank đưa ra mức lãi suất 6%/năm; Agribank là 6,1%/năm.
Trong khi đó, ở kỳ hạn 12 tháng trở lên, các ngân hàng có lãi suất cao nhất là NCB, SCB, PGBank, VietABank..., với mức 9,5%/năm. Hình thức gửi tiết kiệm online có mức lãi suất hấp dẫn hơn gửi tại quầy. Thị trường vẫn tồn tại tình trạng một số nhà băng thỏa thuận “ngầm” lãi suất với khách hàng khi cộng thêm biên độ 0,5-1% cho số tiền lớn, kỳ hạn gửi trên 1 năm.
Mới đây, tại hội nghị về công tác tín dụng, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã thống nhất giảm lãi suất huy động về mức tối đa 8,7%/năm, thay vì 9,5%/năm như cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trước đó. Thế nhưng, các ngân hàng nhỏ và vừa vẫn duy trì mức lãi suất cao.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính cho rằng, theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30%, thay vì 34% hiện nay và tiếp tục giảm thêm sau đó. Điều này gia tăng áp lực đối với các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao, nên phải huy động nguồn vốn dài hạn, khiến chi phí vốn cao hơn cơ cấu nguồn.
Theo các chuyên gia phân tích của Fiin Group, thanh khoản thị trường chưa thể sớm cải thiện do ách tắc về giải ngân vốn đầu tư công, thiếu các biện pháp mang tính hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Trong khi đó, trên thế giới, Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất, có thể tăng lên mức 5% năm nay và duy trì mức này đến hết năm 2023. Với tác động kép này, lãi suất VND chưa thể giảm ít nhất 6-12 tháng tới.
Kỳ vọng thanh khoản được cải thiện
Fiin Group đánh giá, lạm phát trên thế giới hiện vẫn khá cao so với mục tiêu, do đó Fed sẽ tăng thêm lãi suất điều hành và duy trì ở mức 5% đến cuối năm 2023, cũng như tiếp tục chính sách thắt chặt định lượng, làm tăng rủi ro suy thoái ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Theo báo cáo từ HSBC, lạm phát toàn phần tiếp tục nhích lên trong tháng 1/2023, tăng lên 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường. HSBC dự báo, rủi ro tăng đối với lạm phát là dấu hiệu cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ sở trong cả quý I/2023 và quý II/2023, đưa lãi suất điều hành lên 7% vào giữa năm 2023.
Trên cơ sở đó, lãi suất huy động dự báo đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023, với mức tăng 1 - 1,5%. Sở dĩ áp lực lãi suất tiền gửi trong nước còn tăng, theo giới phân tích, là do quá trình tăng lãi suất ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6/2023.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ được cải thiện trong năm 2023 nhờ nguồn vốn quay trở lại hệ thống sau khi lãi suất VND đã tăng lên mức tương đối hấp dẫn so với USD. Áp lực tỷ giá cũng giảm bớt khi USD suy yếu trên toàn cầu. Chỉ số USD-Index giảm mạnh từ mức đỉnh 114 xuống 104 sau khi lạm phát của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chính sách tài khóa theo hướng mở rộng trong năm 2023 của Chính phủ cũng sẽ giúp một lượng tiền lớn quay trở lại hệ thống và làm tăng vòng quay tiền của nền kinh tế. Theo đó, kế hoạch chi đầu tư phát triển năm 2023 là gần 726.700 tỷ đồng, tăng 38% so với kế hoạch năm 2022 và cao hơn 67% số ước thực hiện năm 2022.
Theo ACBS, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở mức tương đối chặt chẽ thông qua công cụ lãi suất, thay vì hạn chế room tín dụng như năm ngoái. Nhìn chung, trạng thái thanh khoản năm 2023 sẽ ở mức tương đối dồi dào, nhưng trên mặt bằng lãi suất cao.