Kỳ vọng dòng vốn ngoại giữ nhịp thị trường chứng khoán
Dòng vốn ngoại chịu ảnh hưởng bởi xu hướng của thế giới Nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại |
Sau những tuần giảm điểm liên tiếp kể từ cuối tháng Một, thị trường chứng khoán tuần qua (từ ngày 6-10/3) phục hồi cả về giá cùng khối lượng gia tăng.
Giới phân tích cho rằng thị trường phục hồi nhờ đón nhận những thông tin tích cực hỗ trợ; trong đó có thông tin hàng nghìn tỷ đồng từ khối ngoại sẽ được giải ngân trong 1-2 tuần tới.
Hơn 6.000 tỷ đồng vốn ngoại sắp chảy vào thị trường
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc khối phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, cho biết thị trường vừa trải qua tuần giao dịch tích cực hơn dự báo nhờ xuất hiện một vài thông tin hỗ trợ. Việc Chính phủ ban hành Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế giúp tháo gỡ một số nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đón nhận thông tin này, dòng tiền đã đổ vào nhóm cổ phiếu bất động sản ngay từ đầu tuần và giúp các chỉ số chứng khoán khởi sắc.
Bên cạnh đó, thông tin về việc quỹ ngoại Fubon ETFs được chấp thuận tăng vốn và việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ 15/3 đã củng cố thêm cho tâm lý tích cực của thị trường.
Tuần tới, thông tin quan trọng sẽ đến từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs ngoại là VNM ETF và FTSE ETF cũng như hoạt động giải ngân của quỹ Fubon ETFs sau khi gọi vốn thành công.
VNDIRECT kỳ vọng rằng dòng vốn ngoại sẽ mua ròng mạnh mẽ trong tuần tới và là yếu tố giữ nhịp cho thị trường.
Ước tính quỹ VNM ETF và Fubon ETF có thể mua ròng hơn 6.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 1-2 tuần tới.
Trong bối cảnh đó, chỉ số VN-Index có thể duy trì xu hướng phục hồi và hướng tới vùng cản cũ quanh 1.070-1.080 điểm.
Trong quá trình đi lên, thị trường có thể sẽ có những phiên rung lắc do tác động từ những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt hơn chính sách tiền tệ trong cuộc họp sắp tới. Tuy vậy, xu hướng phục hồi sẽ vẫn là chủ đạo.
Nhà đầu tư có thể xem xét nâng tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh ngắn của thị trường. Đồng thời, ưu tiên giải ngân vào những nhóm cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ như được các quỹ đầu tư thụ động (ETFs) mua ròng giá trị lớn, cổ phiếu hưởng hợi từ việc Trung Quốc mở cửa và đầu tư công.
Về diễn biến giao dịch tuần qua, chỉ số VN-Index đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp với thanh khoản tăng dần và 1 phiên đi ngang.
Đà tăng của chỉ số được hỗ trợ nhờ những thông tin tích cực như Chính phủ ban hành Nghị định số Nghị định 08 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; kỳ vọng vào dòng vốn ngoại ETF sẽ quay trở lại ngay trong tháng Ba.
Tâm lý tích cực đã giúp chỉ số VN-Index tuần qua tăng 2,8% lên mức 1.053,0 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index kết tuần tại 207,9 điểm, tăng 1,5% so với tuần trước và chỉ số UPCOM-Index đóng cửa tại 76,8 điểm, tăng 1,3% so với tuần trước.
Thanh khoản thị trường tuần qua hồi phục với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 13,4% lên mức 9.912 tỷ đồng/phiên. Đà tăng của thị trường có sự đóng góp không nhỏ của khối ngoại với giá trị mua ròng trên sàn HOSE đạt 915 tỷ đồng. Tương tự, khối ngoại gia tăng giá trị mua ròng lên mức 39 tỷ đồng trên sàn HNX-Index.
Tâm lý tích cực giúp hầu hết các ngành nghề đều tăng điểm, tập trung vào 2 trụ cột chính của thị trường là ngành ngân hàng và bất động sản.
Sau nhiều tuần phân hóa, cổ phiếu ngành ngân hàng đồng thuận tăng với VPB tăng 7,7%, CTG tăng 5%, BID tăng 2,7% và VCB tăng 1,3%.
Sau nhiều tuần giảm điểm liên tiếp, ngành bất động sản đã phục hồi trong tuần này nhờ thông tin tích cực liên quan đến Nghị định 08 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều này đã giúp nhiều mã cổ phiếu bất động sản tăng điểm như DXG tăng 11,4%, KDH tăng 8,8%, VHM tăng 4,6%, NLG tăng 1,2%.
Cổ phiếu thép cũng tăng điểm tuần qua trong bối cảnh ngành thép được kỳ vọng sẽ hồi phục nhờ Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và nhu cầu hồi phục tại Trung Quốc. Theo đó NKG tăng 8,8%, HSG tăng 7,2%, HPG tăng 4,7%.
Nhận định về việc thị trường diễn biến tích cực trở lại trong tuần qua, chuyên gia phân tích chứng khoán tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) Phạm Bình Phương cho biết, trong tuần xuất hiện thông tin quỹ ngoại ETF Fubon nộp hồ sơ để huy động thêm 4.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ bắt đầu giải ngân từ ngày 13/3, cùng với diễn biến mua ròng trở lại của khối ngoại có lẽ là động lực quan trọng hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.
Theo VNDIRECT, sau tuần tăng điểm, trạng thái VN-Index đã có sự cải thiện ở xu hướng ngắn hạn, vươn lên tăng điểm, trong khi đó trạng thái trung hạn đã tìm lại xu hướng đi ngang bị mất trong tuần trước đó.
Nỗi lo về lãi suất "nhấn chìm" chứng khoán Mỹ tuần qua
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong bối cảnh chứng khoán Mỹ ghi nhận những mức giảm theo tuần lớn nhất trong nhiều tháng, khi các nhà đầu tư lo ngại về những rắc rối tại ngân hàng Silicon Valley Bank lây lan trong lĩnh vực này cũng như xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, Dow Jones đã giảm 4,4%, S&P 500 mất 4,5% và Nasdaq giảm 4,7% trong tuần qua. Chỉ số Dow có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022, trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt ghi nhận mức giảm hàng tuần tính theo phần trăm lớn nhất kể từ tháng Chín và tháng 11/2022.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Sang tuần tới, báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quan trọng sẽ là bài kiểm tra cho thị trường chứng khoán Mỹ, dự kiến vẫn bị phủ bóng bởi những lo ngại về chính sách "diều hâu" của Fed và hậu quả tiềm tàng từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank.
Báo cáo việc làm công bố hôm thứ Sáu đã xoa dịu một số lo lắng về các đợt tăng lãi suất lớn của Fed. Tuy nhiên, một báo cáo CPI "nóng" hơn dự kiến vào thứ Ba (14/3) có thể dấy lại những lo ngại đó. Diễn biến như vậy sẽ rất bất lợi cho một thị trường đang gặp khó khăn sau thất bại tuần này của Silicon Valley Bank.
Sau khi tăng vào đầu tuần, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản đã giảm bớt trong 24 giờ qua. Các nhà giao dịch hiện nhận thấy Fed có 62% khả tăng lãi suất chuẩn lên 25 điểm cơ bản và 40% khả năng tăng 50 điểm cơ bản.
Trước đó, trong phiên 9/3, nhà đầu tư đặt cược Fed có 70% khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Theo đánh giá từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters, kỳ vọng về lãi suất một lần nữa có thể thay đổi đáng kể nếu báo cáo CPI cho tháng Hai cao hơn mức tăng dự kiến 6% hàng năm.
Trong phiên giao dịch chiều 10/3, thị trường chứng khoán châu Á cũng nối gót đà giảm của Phố Wall đêm trước.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,67% xuống 28.143,97 điểm, chấm dứt chuỗi năm phiên tăng liên tiếp, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng tại cuộc họp cuối cùng của Thống đốc Haruhiko Kuroda.
Cùng đà giảm, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 1,4% xuống 3.230,08 điểm; còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 3,04% xuống 19.319,92 điểm./.