Nâng cao chất lượng dòng vốn ngoại
Dòng vốn ngoại chịu ảnh hưởng bởi xu hướng của thế giới |
Dù năm 2023, kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn khi tình hình thế giới khó đoán định, nhưng về dài hạn, Việt Nam được các tổ chức nước ngoài đánh giá vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Kỷ lục giải ngân vốn FDI
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù chưa thật trọn vẹn bởi tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 chỉ đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021, song niềm vui về một năm thành công trong thu hút FDI đó là mức giải ngân kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Cụ thể, năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số này, vốn đăng ký mới đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 5,15%, giảm 25,2% so với cùng kỳ. Ngược lại, vốn điều chỉnh đạt gần 10,2 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tổng đầu tư trong năm 2022 giảm so với năm 2021 do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu giảm sút.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài lý giải, việc không chắc chắn của nhà đầu tư và tình trạng rủi ro do ảnh hưởng của xung đột chính trị toàn cầu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang gây áp lực giảm đáng kể lên dòng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.
Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư đăng ký mới giảm (giảm 18,4%) song số dự án đầu tư mới tăng lên (tăng 17,1%, đạt 2.036 dự án) so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, với mức tăng 12,2% số lượt điều chỉnh vốn của các dự án FDI trong cả năm 2022 so với cùng kỳ, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài đã khẳng định, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu.
“Đây tuy không phải là mức tăng cao nhất trong năm so với cùng kỳ, song là tín hiệu tốt cho thấy các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI sau đại dịch COVID-19”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.
Điều quan trọng, trong khi vốn đăng ký giảm, thì vốn đầu tư nước ngoài giải ngân lại đạt tới gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Với góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu đã rất rõ ràng song câu hỏi đặt ra là Việt Nam tận dụng làn sóng này như thế nào. Bởi theo ông Toàn đa phần vốn FDI chảy vào Việt Nam đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và gần đây là Trung Quốc, rất ít vốn đầu tư trực tiếp từ châu Âu và Mỹ.
Sự tụt hậu trong cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là chính sách và thể chế trong nhiều trường hợp khó dự báo và thiếu ổn định. Thứ hai là từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, tầm nhìn chỉ ở mức ngắn hạn. Do vậy, các doanh nghiệp bản địa không đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI.
“Làn sóng FDI mới là có nhưng có rất nhiều cản trở để làn sóng này có thể đến với Việt Nam, đặc biệt là làn sóng vốn chất lượng cao”, ông Toàn khẳng định.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Dù năm 2023, kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn khi tình hình thế giới khó đoán định, nhưng về dài hạn, Việt Nam được các tổ chức nước ngoài đánh giá vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Alain Cany khẳng định Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong 2 hoặc 3 năm tới và sẽ chứng tỏ được vị thế của mình là một trong các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất.
Bà Virgina B. Foote, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng, đây là thời điểm mà Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư hiệu quả đối với nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn về nhân lực, logisstic và an toàn dịch bệnh.
“Dịch COVID-19 đang định hình lại do nhà đầu tư lựa chọn điểm đến không chỉ là môi trường kinh doanh hấp dẫn, chi phí nhân công thấp, mà còn là khả năng hấp thụ công nghệ và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Virgina B. Foote đánh giá.
Để thu hút những dự án FDI lớn thuộc các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, big data, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển… nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam cần phải đổi mới cơ bản toàn bộ hoạt động, từ xúc tiến đầu tư, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao…
Với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới.
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngoài các giải pháp chung như: ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... trong thời gian tới, Việt Nam tập trung thực hiện các giải pháp như: xây dựng và phát triển hệ sinh thái về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, với cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số.
Cùng với đó, phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, đủ thực lực hội nhập quốc tế, để liên doanh, liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, dịch vụ hiện đại, công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ tài chính.
"Phát huy năng lực nội tại và tận dụng lợi thế cạnh tranh nhằm cải thiện hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đưa khu vực đầu tư nước ngoài kết nối chặt chẽ với khu vực đầu tư trong nước, mang lại sức phát triển bền vững cho nền kinh tế... sẽ là những điểm nhấn trong thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.