Kon Tum: Thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
Kon Tum: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào từ du lịch cộng đồng Kon Tum: Nỗ lực đưa gạo đỏ của người Xê Đăng thành sản phẩm hàng hóa |
Đến thời điểm hiện nay, tất cả các Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đều được các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai chủ động và kịp thời. Trong đó, các khâu rà soát, xác định mục tiêu, đối tượng, nội dung hoạt động, danh mục đầu tư, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và nhu cầu thực tế của địa phương, đơn vị được triển khai đồng bộ để xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.
Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc và miền núi được tỉnh Kon Tum quan tâm đầu tư (Ảnh: Khoa Điềm) |
Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình. Mục tiêu của kế hoạch phấn đấu mức thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối internet băng thông rộng; trên 50% xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn so với tổng số xã thuộc diện khó khăn hiện nay…
Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Dân tộc tỉnh đã kịp thời phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, tháo gỡ để chương trình triển khai thông suốt tại các địa phương. Đặc biệt, chú trọng triển khai các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương miền núi.
Điều này được thể hiện rõ qua phương thức sản xuất nông nghiệp, bà con từ bỏ canh tác lạc hậu chuyển sang thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Nếu như trước đây, đồng bào DTTS Kon Tum chỉ quen trồng các loại cây lương thực như: Lúa nước một vụ, trồng mì, trồng bắp giống cũ năng suất thấp, thì nay đã chuyển đổi sang trồng các loại cây dài ngày vốn trước đây rất xa lạ như: Cây ăn quả, cao su, mắc ca, cà phê… Đặc biệt, một số huyện miền núi đã phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, mạnh dạn vay vốn ưu đãi đầu tư trồng các loại cây như dược liệu, sâm Ngọc Linh…
Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống của các dân tộc tại Hội chợ hành lang Quốc tế Đông Tây - Đà Nẵng (Ảnh: Diệu Hằng) |
Tại huyện Đăk Tô, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi từ trồng mì sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tại xã Đăk Trăm, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả, đất bạc màu sang trồng sâm dây, gừng và dứa xen canh cây mắc ca. Chính quyền xã cũng vận động các doanh nghiệp dược liệu trên địa bàn hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.
Mặt khác, để thực tiễn đi vào cuộc sống, Đắk Tô đã giúp bà con cải tạo vườn tạp, khuyến khích chú trọng khâu chế biến, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường. Đồng thời, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện, Đắk Tô đã hình thành một số vùng liên kết sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như: Nếp cái hoa vàng, chuối, chanh dây, cà phê, cây dược liệu. Nhờ vậy, thu nhập của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đặc biệt, nhờ có Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) đi qua và cửa khẩu quốc tế Bờ Y 40 km, việc lưu thông hàng hoá, các sản phẩm đặc sản của bà con dễ dàng, thuận tiện hơn.
Tu Mơ Rông là huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum với trên 96% là đồng bào DTTS. Thời gian qua, để phát triển kinh tế, huyện đã vận động bà con sinh sống dưới chân núi Ngọc Linh tập trung trồng cây dược liệu. Nhiều hộ đồng bào đã đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh - một loại cây quý mà thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này. Cùng với sâm Ngọc Linh, trồng sâm dây cũng là một mô hình phát triển kinh tế mới mà nhiều hộ dân đầu tư trong mấy năm qua. Ngoài ra, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh của địa phương được thành lập, bước đầu phát huy hiệu quả trong liên kết tiêu thụ sản phẩm của đồng bào.
Chọn chăn nuôi là một trong những hướng đi chủ lực, huyện Kon Plông đã triển khai 2 mô hình nuôi lợn đen tại xã Măng Cành. Tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn cách làm chuồng trại, lắp bóng đèn sưởi ấm, cho lợn ăn đủ dinh dưỡng và tiêm vaccine phòng bệnh… Nhờ vậy, đàn lợn của các hộ gia đình phát triển tốt, tạo thu nhập ổn định khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm. Từ đó, nhiều hộ đồng bào đã thoát nghèo và hướng đến mở rộng quy mô đàn lợn, vươn lên làm giàu.
Là tỉnh miền núi, biên giới với 43 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ và đồng bào DTTS chiếm 54% dân số, Kon Tum luôn xác định thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chăm lo đời sống người dân vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng. |