Kon Tum: Nỗ lực đưa gạo đỏ của người Xê Đăng thành sản phẩm hàng hóa
Kon Tum: Phát triển sản phẩm OCOP từ nghề truyền thống của đồng bào Kon Tum: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào từ du lịch cộng đồng |
Từ giống lúa truyền thống của đồng bào Xê Đăng
Lúa gạo đỏ (gạo lứt) là giống lúa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Plông nói chung, đồng bào Xê Đăng xã Măng Bút nói riêng và là một trong những sản phẩm đặc trưng của xã Măng Bút. Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng cho gạo lứt Măng Đen xã Măng Bút từ giống lúa đỏ nguyên chủng được lưu giữ từ đời này sang đời khác…
Những cánh đồng ruộng bậc thang ngả vàng mùa lúa chín - Ảnh: T.H |
Sở dĩ gạo đỏ nơi đây được coi là mặt hàng đặc sản vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, sản phẩm thuần khiết từ tự nhiên, chất lượng tốt. Giống lúa này mỗi năm chỉ cấy được một mùa. Cứ đến tháng 4 hằng năm, người Xê Đăng ở xã vùng cao Măng Bút bắt đầu cấy lúa và phải tới tháng 10 mới thu hoạch. Điều đặc biệt là đồng bào ở đây chỉ bón phân chuồng, không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học; làm cỏ mỗi tháng một kỳ, đến khi lúa đỏ ửng trên thân thì gặt về. Cây lúa cho gạo đỏ hầu như sống trên vùng ruộng đất khô cằn, không có nước tưới và từ đầu đến cuối vụ chỉ "hưởng nước trời”.
Vì cây lúa sinh trưởng và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên; nước trời và dinh dưỡng từ bùn đất nên dù hạt gạo khi nấu thành cơm không thơm, dẻo như các giống gạo trắng gieo cấy dưới vùng đồng bằng nhưng đảm bảo về an toàn thực phẩm, có hàm lượng, giá trị dinh dưỡng cao.
Nhằm duy trì và phát triển sản phẩm đặc sản của đồng bào Xê Đăng, diện tích lúa gạo đỏ ngày càng được mở rộng từ 2 thôn phát triển ra 6 thôn. Cùng với việc tăng diện tích gieo trồng, đồng bào Xê Đăng đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội để biến sản phẩm đặc trưng của địa phương thành loại hàng hóa có giá trị.
… đến cơ hội trở thành sản phẩm hàng hóa
Để nâng cao giá trị hạt gạo đỏ, huyện Kon Plông đã tích cực xúc tiến xây dựng thương hiệu, từng bước đưa gạo đỏ trở thành loại hàng hóa có giá trị trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đóng chân trên địa bàn huyện Kon Plông được hỗ trợ trong khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ gạo đỏ.
Gạo đỏ - đặc sản của đồng bào Xê Đăng - Ảnh: T.H |
Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Hoàng Vũ, HTX Minh Đức, HTX Thương mại & Dịch vụ nông nghiệp Măng Đen... chuyên thu mua gạo đỏ để chế biến. Ngoài việc thu mua lúa, xay xát gạo cho ra sản phẩm gạo lứt, các doanh nghiệp từng bước đa dạng hoá sản phẩm từ nguồn nguyên liệu gạo đỏ. Tiêu biểu như Công ty TNHH MTV Hoàng Vũ đã chế biến thành sản phẩm rượu gạo đỏ. Bước đầu chỉ với mục đích đa dạng hóa sản phẩm, tăng mức tiêu thụ gạo đỏ; rượu nấu từ giống gạo có chất lượng cao nên được người tiêu dùng đánh giá cao, tiêu thụ mạnh.
Nhận thấy tiềm năng phát triển, Sở Công Thương Kon Tum đã trích nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ Công ty TNHH MTV Hoàng Vũ nâng cấp, hoàn thiện dây chuyền chế biến rượu gạo đỏ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy trình đăng ký, xây dựng thương hiệu, giới thiệu thị trường, cơ hội hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để khai thác và từng bước mở rộng thị phần.
Hay như Hợp tác xã Thương mại & Dịch vụ nông nghiệp Măng Đen đã nghiên cứu và sản xuất bánh tráng gạo đỏ. Đây là loại đồ ăn thông dụng, dễ sản xuất, vận chuyển và có sức mua khá cao. Sản phẩm của hợp tác xã không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn huyện, mà còn được nhiều thương lái thu mua mang đi tiêu thụ tại các địa phương khác.
Thời gian tới, để nâng cao giá trị cho hạt gạo đỏ của địa phương, Sở Công Thương và huyện Kon Plông tiếp tục triển khai nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ gạo đỏ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hy vọng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương cùng với những hướng đi tích cực của các doanh nghiệp, gạo đỏ Măng Đen sẽ ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường, giá trị hàng hoá từng bước được nâng cao. Từ đó, khuyến khích người dân bảo tồn giống lúa quý và cải thiện cuộc sống của đồng bào Xê Đăng.
Khai thác, phát huy lợi thế mà thiên nhiên ban tặng với với độ cao hơn 1.100 m so với mặt nước biển và được che chắn bởi những cánh rừng già đại ngàn, bà con Xê Đăng ở xã Măng Bút đã gìn giữ, phát triển giống lúa gạo đỏ. Gạo đỏ Măng Đen từ chỗ là lương thực truyền thống, chỉ bó hẹp trong căn bếp của mỗi gia đình đồng bào Xê Đăng đang từng bước trở thành hàng hóa có giá trị, được thị trường ưa chuộng và mang thương hiệu đặc trưng của vùng đất Măng Bút. |