Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 16/2: MBB, VNM và ACB
Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 2/2: VIB, IDC và MSB Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 5/2: VNM, LHG và ACB Khuyến nghị cổ phiếu hôm nay 15/2: MWG, PVD và CTG |
Khuyến nghị cổ phiếu MBB - Mua
Năm 2023, Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước và hoàn thành 100% kế hoạch. Tính riêng ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận đạt 24.688 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận các công ty con, công ty liên kết của MBB đạt mức 1.993 tỷ đồng, giảm 14%.
MBB là ngân hàng có chất lượng tài sản ổn định ở mức tốt. Trong đó, chi phí trích lập trong các năm tới dự báo tăng, nhưng vẫn chậm hơn tăng trưởng thu nhập hoạt động, tỷ lệ nợ xấu (NPL) bảo đảm quanh mức dưới 2%. |
Theo đó, với mức lợi nhuận nêu trên, MBB đã vượt 2 ngân hàng trong nhóm Big4 là VietinBank (đạt hơn 24.000 tỷ đồng) và Agribank (khoảng 25.300 - 25.400 tỷ đồng). Tuy nhiên, mức lợi nhuận của MB vẫn thấp hơn BIDV (khoảng 26.750 tỷ đồng) và Vietcombank (40.400 tỷ đồng).
Năm 2024, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo MBB tiếp tục là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong top cao nhất ngành. Ước tính, MBB có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong 2024 và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5 - 2 lần trong các năm tới nhờ việc nhận chuyển giao ngân hàng Oceanbank.
Biên lợi nhuận ròng (NIM) của MBB được kỳ vọng cải thiện theo đà giảm của chi phí vốn, đồng thời với việc đẩy mạnh tăng tỷ trọng bán lẻ lên 50 - 55% dư nợ (hiện chiếm 46%).
Tỷ lệ CASA của MBB đạt 34% cao nhất ngành, trong đó CASA từ khách hàng cá nhân chiếm khoảng 40% với số lượng khách hàng cá nhân tăng nhanh lên 24 triệu người, tiếp tục là động lực duy trì nguồn huy động lãi suất thấp. Dự kiến CASA sẽ tiếp tục cải thiện trong 2024 nhờ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hạ nhiệt.
Bên cạnh đó, MBB là ngân hàng có chất lượng tài sản ổn định ở mức tốt. Trong đó, chi phí trích lập trong các năm tới dự báo tăng, nhưng vẫn chậm hơn tăng trưởng thu nhập hoạt động, tỷ lệ nợ xấu (NPL) bảo đảm quanh mức dưới 2%.
Hiện, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu MBB.
Khuyến nghị cổ phiếu VNM - Mua
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HOSE: VNM) công bố doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng trưởng 3,7% và 25,8% trong quý IV/2023 chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện.
Lũy kế cả năm 2023, VNM ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 60.369 tỷ đồng (tăng 0,7% so với cùng kỳ) và 9.019 tỷ đồng (tăng trưởng 5,2%), hoàn thành 100% dự phóng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).
Biên lợi nhuận gộp năm 2023 của VNM được mở rộng cùng với lợi nhuận tài chính tăng mạnh (tăng 59%, chủ yếu nhờ thu nhập lãi) hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của công ty, mặc dù tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu thuần tăng lên 24,5% trong năm 2023 (năm 2022 là 23,6%) nhằm thúc đẩy thị phần.
Giá sữa nguyên liệu giảm là trợ lực cho biên lợi nhuận gộp 2023 của VNM tăng từ 39,9% lên 40,7%. Theo ACBS, mặc dù có xu hướng nhích lên trong thời gian gần đây nhưng giá của một số nguyên liệu sữa chính (bột sữa) vẫn đang trong xu hướng giảm kể từ nửa cuối năm 2022 (nhờ Trung Quốc giảm nhập khẩu) và dao động quanh vùng giá của giai đoạn 2019 - 2020.
Tác động tích cực từ giá sữa nguyên liệu sữa thuận lợi được kỳ vọng sẽ đưa lợi nhuận của VNM tăng trưởng cao hơn trong năm 2024. ACBS duy trì dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VNM là 62.993 tỷ đồng (tăng trưởng 4,3%) và 9.938 tỷ đồng (tăng 10,1%).
Giá mục tiêu của ACBS cho VNM cho 12 tháng tới là 80.300 đồng/cổ phiếu (tổng tỷ suất lợi nhuận 24,7%), đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.
Khuyến nghị cổ phiếu ACB - Tăng tỷ trọng
Năm 2023, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) đã hoàn thành tất cả các mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở Đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng đạt 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 20.000 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế vượt 16.000 tỷ đồng), hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận năm, và tăng trưởng 17,3% so với năm 2022.
Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của ACB đạt 1,21% thuộc nhóm thấp nhất ngành.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cho biết, ACB đang tiếp tục góp mặt trong nhóm các ngân hàng quản trị rủi ro tốt nhất. Đây là ngân hàng đầu tiên hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, ACB đã hoàn thành phần lớn các nội dung có tính phức tạp cao trong yêu cầu về quản trị IRRBB theo Basel III và đang đặt mục tiêu liên tục cải tiến để duy trì vị thế ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường. Tới cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II của ACB vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12,1%.
Một điểm MASVN ưa thích ACB là bởi tính tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản (LDR) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt mức 78% (dưới mức 85% so với quy định), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 30%).
Với quan điểm nắm giữ, MASVN kỳ vọng năm 2024 ACB có thể sẽ hướng đến mức P/B trung bình 5 năm là 1,6 lần, tương ứng với mức giá 31.500 đồng/cổ phiếu (giá trị sổ sách cuối 2024 dự báo đạt 22.532 đồng/cp).
Tuy nhiên với quan điểm trong 6 tháng tới, nhóm phân tích cho rằng giá ACB sẽ phản ánh kết quả kinh doanh năm 2023 nhiều hơn, theo đó với mức P/B mục tiêu 1,6 lần và giá trị sổ sách năm 2023 là 18.268 đồng/cp, giá mục tiêu của ACB sẽ ở mức 29.200 đồng/cp, cao hơn khoảng 14% thị giá hiện tại.