Khô đậu tương bật tăng, chạm mức cao nhất trong hơn 6 tháng qua
Đậu tương ghi nhận phiên thứ 3 liên tiếp tăng giá Đậu tương tiếp tục khởi sắc, giá dầu duy trì đà tăng Đậu tương ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn 2 tháng qua |
Thị trường nông sản rung lắc mạnh trong phiên giao dịch ngày 7/11 và hầu hết các mặt hàng đều đóng cửa trong sắc đỏ. Khô đậu tương là mặt hàng duy nhất tăng giá khi nhảy vọt hơn 2%, đồng thời đẩy giá lên mốc cao nhất kể từ cuối tháng 4 năm nay. Việc dầu đậu tương quay đầu suy yếu do ảnh hưởng bởi dầu thô là nguyên nhân chính khiến khô đậu được hỗ trợ.
Trong khi đó, giá ngô và giá lúa mì đồng loạt suy yếu trước triển vọng mùa vụ năm nay tại Ukraine. Viện Khoa học Nông nghiệp Ukraine cho biết ngũ cốc vụ đông năm nay của nước này có thể vượt qua giá lạnh và đem lại một vụ mùa bội thu nhờ năng suất cao. Bên cạnh đó, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, nông dân vẫn tiến hành gieo hạt bình thường dù khung thời gian lý tưởng để trồng ngũ cốc vụ đông đã qua. Đây là những tín hiệu khả quan đối với vụ mùa năm nay của một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc quan trọng trên thế giới, đồng thời đè nặng lên giá các mặt hàng.
Đậu tương chỉ giảm nhẹ vào hôm qua trước những tác động của các thông tin cơ bản trái chiều. Báo cáo Crop Progress cho thấy việc thu hoạch đậu tương của Mỹ đang bước vào giai đoạn cuối cùng khi tiến độ đã đạt 91% diện tích, ngang với cùng kì năm ngoái nhưng cao hơn trung bình 5 năm. Nếu duy trì tốc độ như hiện tại, vụ mùa của nước này có thể sẽ kết thúc trong khoảng 2 tuần nữa và sản lượng dồi dào sẽ giúp Mỹ có thể tiếp tục đẩy mạnh bán hàng. Điều này sẽ giảm bớt lo ngại về thiếu hụt nguồn cung và tác động “bearish” đến giá. Ngược lại, nhu cầu tích cực từ quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới Trung Quốc đã hạn chế lực bán trên thị trường. Cụ thể, theo số liệu từ Hải quan, nhập khẩu đậu tương tháng 10 của nước này đạt 5,16 triệu tấn, cao hơn 25% so với cùng kì năm ngoái.
Giá khô đậu bật tăng, vượt lên trên mức kháng cự 445 trước áp lực từ triển vọng xuất khẩu của Brazil. Theo chính quyền cảng Paranagua, một phần hoạt động bốc nông sản tại bến 201 đã quay trở lại, sau trận hỏa hoạn vào cuối tháng 10. Với vai trò là cảng lớn thứ hai ở Brazil, việc Paranagua hoạt động trở lại dự kiến sẽ giúp hoạt động xuất khẩu của nước tiếp tục được đẩy mạnh, và các chuyến hàng đậu tương và khô đậu bị trì hoãn trong tháng 10 sẽ được vận chuyển trở lại.