Khi quyền lực của cựu tư lệnh 2 ngành Y tế, KH&CN chưa được nhốt trong “lồng cơ chế"
Bộ Công an đã gián tiếp trả lời câu hỏi này trong kết luận điều tra mới đây là chưa, với kiến nghị: Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Y tế nâng cao năng lực kiểm soát quyền lực người đứng đầu, kiểm soát hoạt động của các cơ quan chuyên môn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói tới việc phải nhốt quyền lực vào trong “lồng cơ chế" với ý nghĩa: “Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”.
Ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long khi còn đương chức. Ảnh: Internet |
Thế nhưng, trong thời điểm công tác phòng, chống dịch Covid-19 được xem là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu, với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân được trao quyền lực to lớn ấy, trọng trách to lớn ấy, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đã lạm dụng quyền lực được giao để vụ lợi; đã gục ngã trước “virus kim tiền”.
Ông Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN đã chỉ đạo họp báo, chỉ đạo cấp dưới tham mưu, hoàn thiện các thủ tục để quyết định tặng bằng khen cho Công ty Việt Á và cá nhân Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) nhằm đánh bóng tên tuổi.
Để cấp dưới thông tin tai sự thật về “sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đã được WHO cấp chứng nhận” trên cổng thông tin của Bộ và cung cấp thông tin sai sự thật cho nhiều cơ quan báo chí.
Dù không đòi hỏi, yêu cầu hay gây khó dễ gì, nhưng ông Chu Ngọc Anh vẫn được Phan Quốc Việt biếu 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) – một khoản tiền theo cách hiểu của nhiều người: Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ!
Còn ông Nguyễn Thành Long cùng một số quan chức đã can thiệp, tác động, chỉ đạo cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit xét nghiệm Covid-19 cho Công ty Việt Á, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á.
Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng ông Nguyễn Thành Long vẫn đồng ý để cho ký quyết định, thống nhất giá hiệp thương với Công ty Việt Á 470.000 đồng/kit test, dù không có căn cứ.
Chưa dừng lại, Bộ Y tế còn công bố giá không có căn cứ lên cổng thông tin điện tử Bộ Y tế tạo mặt bằng giá để Công ty Việt Á bán cho các đơn vị, địa phương theo giá đã nâng khống; Nguyễn Thanh Long giới thiệu Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á với lãnh đạo một số địa phương, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á tiêu thụ kit test xét nghiệm.
Với những đặc quyền đặc lợi dành cho Công ty Việt Á và Phan Quốc Việt như vậy, Nguyễn Thanh Long đã nhiều lần thông qua thư ký gợi ý, đề nghị và được Phan Quốc Việt đưa tổng số tiền 2,25 triệu USD (tương đương hơn 51,1 tỉ đồng) để lo việc – một số tiền tính theo cách cơ học, nhân với lương Bộ trưởng phải mất khoảng 300 năm mới có được.
Và cũng từ sự lạm dụng quyền lực được giao của ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long, đã góp phần "giúp" Công ty Việt Á hưởng lợi bất chính được Công an xác định là hơn 1.235 tỷ đồng; gây thiệt hại cho nhà nước hơn 400 tỷ đồng; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội.
Tới đây, ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long sẽ phải trả giá cho những sai phạm của mình, cho việc phản bội lại nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Nó không chỉ là một bản án theo quy định của pháp luật, hình thức kỷ luật hay kết thúc sự nghiệp chính trị, mà nó còn là tiếng xấu lưu truyền tới cả nghìn năm sau.