Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Khẩn trương khắc phục khó khăn, vướng mắc của Dự án 3
Lào Cai: Tăng tốc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 Tuyên Quang: Các huyện miền núi phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết |
Dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” ” (Dự án 3) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hướng đến mục tiêu phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao thu nhập.
Hiện nay, các địa phương đang triển khai dự án này và gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Điện Biên Đông là huyện miền núi của tỉnh Điện Biên có địa hình phức tạp, đồi núi chiếm 90% diện tích tự nhiên. Thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, huyện chọn xã Luân Giói để trồng nếp tan và xã Tìa Dình để trồng bí xanh.
Sản phẩm bí xanh Tìa Dình của đồng bào Mường được giới thiệu tại hội chợ, triển lãm (Ảnh: Vũ Lợi) |
Đến thời điểm hiện nay, các xã đang hoàn thiện hồ sơ 2 chuỗi liên kết. Tuy nhiên, theo đánh giá của địa phương, mặc dù các sản phẩm được chọn phát triển ở nơi có điều kiện phù hợp nhưng để thực hiện được cũng gặp trở ngại vì giao thông đến xã còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, các phương tiện rất khó khăn khi vận chuyển vật tư vào mùa mưa.
Trong quá trình triển khai các mô hình chăn nuôi, những vướng mắc bởi quy định của pháp luật về chăn nuôi cũng là ràn cản khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn bị ảnh hưởng. Bởi Luật Chăn nuôi quy định, đơn vị, tổ chức cá nhân mua bán con giống phải đáp ứng các điều kiện cụ thể nhưng trên địa bàn huyện Điện Biên Đông hiện không có đơn vị cung ứng con giống có đủ điều kiện đáp ứng theo quy định.
Trong khi đó, việc sử dụng con giống do các đơn vị cung ứng từ các địa phương khác theo tiêu chuẩn, thực tế không phù hợp với cách thức chăn nuôi, quảng canh của người dân; không phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, thức ăn chăn nuôi. Như vậy sẽ làm hạn chế sự phát triển của con giống, dẫn đến hiệu quả thấp.
Thực hiện Dự án 3, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé đã triển khai trồng rừng sản xuất (cây quế) cho 22 hộ với tổng diện tích 36,96ha. Đối với Tiểu dự án 2, Dự án 3, xã Chung Chải thực hiện hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 19 hộ gia đình với số tiền hỗ trợ: 1 tỉ đồng để chăn nuôi lợn tại bản Nậm Vì; 1 tỉ đồng làm mô hình trồng khoai tây tại các bản Đoàn Kết, Xi Ma, Nậm Khum; 1 tỉ đồng làm mô hình lúa chiêm xuân trên địa bàn xã Chung Chải.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình, lãnh đạo huyện trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình; thường xuyên tổ chức các cuộc giao ban, báo cáo định kỳ; đôn đốc tiến độ thực hiện… Qua đó, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương để tháo gỡ và chỉ đạo thực hiện. Huyện cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia theo sát từng chương trình, dự án, hợp phần dự án theo lĩnh vực được phân công; tiếp tục xin ý kiến các cơ quan cấp trên để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Triển khai Dự án 3, đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã hỗ trợ 50,7 tỷ đồng phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho các đối tượng được thụ hưởng là: Cộng đồng dân cư bản, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình dân tộc Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Mô hình trồng cây dược liệu đạt hiệu quả cao (Ảnh: Ánh Nguyệt) |
Hiện nay, tỉnh đang triển khai đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Vân Hồ. Với những lợi thế đặc thù về địa hình và khí hậu, huyện Vân Hồ được xem là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh Sơn La trong quy hoạch và phát triển vùng dược liệu. Để phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, ổn định, lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, cách đây 5-6 năm, Công ty Cổ phần Dược liệu Vân Hồ đã triển khai mô hình trồng và chăm sóc một số cây dược liệu và thu được kết quả khả quan. Đây là cơ sở khoa học để huyện tiếp tục nhân rộng vùng trồng dược liệu tập trung, chất lượng cao.
Tuy nhiên, hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là việc hỗ trợ vật nuôi. Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị với Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để việc hỗ trợ đạt hiệu quả cao. Từ đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng nhằm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 được đánh giá là chương trình bao quát sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 159 hoạt động, tích hợp hơn 100 chính sách khác nhau... chương trình là “bệ đỡ” giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |