Khan hiếm nguồn cung, đại lý khó mua hàng, giá hồ tiêu liệu có vượt đỉnh?
Tình trạng khan hiếm nguồn cung và khó khăn trong việc mua hàng của các đại lý đang làm gia tăng giá hồ tiêu trên thị trường. Theo đánh giá, với việc hàng tồn kho ít ỏi và nhu cầu tiếp tục tăng, giá hồ tiêu có tiềm năng vượt đỉnh trong thời gian tới.
Đà tăng liên tục được giữ vững
Sau khi giữ ổn định trong ngày đầu tuần, giá hồ tiêu hôm nay (18/6) tăng thêm 3.000 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm trên cả nước, đưa giá tiêu trung bình trên các nước ở quanh mốc 159.000 đồng/kg.
Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk tăng thêm 3.000 đồng/kg đạt 160.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu tại Gia Lai tăng 3.000 đồng/kg đạt 158.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu tại Đắk Nông tăng 3.000 đồng/kg đạt 161.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá hồ tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cùng tăng thêm 3.000 đồng/kg đạt 159.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu tại Bình Phước tăng 3.000 đồng/kg đạt 158.000 đồng/kg.
Với tình trạng khan hiếm nguồn cung tiêu như hiện nay, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định, giá tiêu trong thời gian tới có thể vượt đỉnh chu kỳ giá lần trước. Ảnh: pieivypro |
Nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng giảm giá trái chiều do tình trạng đầu cơ, nhiều đại lý nhỏ lẻ đã tận dụng việc thiếu hụt nguồn cung để găm giữ hàng và đẩy giá lên cao trong giai đoạn trước đó. Việc giá hồ tiêu lên cao kỷ lục đã kích hoạt một bộ phận người trồng tiêu và đại lý xả bán tiêu tồn trữ từ các niên vụ trước đây ra thị trường.
Với tình trạng khan hiếm nguồn cung tiêu như hiện nay, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định, giá tiêu trong thời gian tới có thể vượt đỉnh chu kỳ giá lần trước, đạt hơn 250.000 đồng/kg, thậm chí có thể lên đến 300.000 - 400.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu các loại được giữ ổn định so với cuối tuần trước.
Cụ thể, giá tiêu đen Lampung của Indonesia đạt 6.418 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok đạt 8.377 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil đạt 7.900 USD/tấn. Giá tiêu Kuching ASTA của Malaysia giữ nguyên ở mức 4.900 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA đạt 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 7.800 USD/tấn; loại 550 gr/l tăng đạt 8.000 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu trắng giữ ổn định ở mức 12.000 USD/tấn.
Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế thông tin thêm, thị trường tuần trước cho thấy phản ứng khá tích cực, khi không có quốc gia sản xuất nào ghi nhận giảm.
Cụ thể, tại Nam Á, giá tiêu giao dịch trong nước và quốc tế của Ấn Độ tiếp tục tăng từ tháng trước. Còn giá tiêu nội địa Sri Lanka tiếp tục tăng trong 5 tuần qua.
Ở Đông Nam Á, giá tiêu nội địa và xuất khẩu của Indonesia ghi nhận tăng từ tuần trước do hàng tồn còn ít trên thị trường.
Chỉ có giá tiêu nội địa Malaysia ghi nhận tăng trong tuần này. Trong khi, giá tiêu xuất khẩu nước này tiếp tục ổn định và không thay đổi.
Giá tiêu giao dịch nội địa và quốc tế của Việt Nam tiếp tục tăng kể từ đầu tháng 5. Sự gia tăng này do hàng tồn còn ít tại địa phương cũng như lượng thu hoạch giảm tại Việt Nam.
Các quốc gia như Brazil và Indonesia được dự báo có vụ mùa kém năng suất, sắp tới bắt đầu vào khoảng tháng 8. Điều này giúp duy trì lợi thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế, bởi nguồn cung đang phụ thuộc vào các công ty xuất khẩu trong nước.
Giá tiêu có thể tiếp tục tăng do thiếu hụt nguồn cung?
Theo đánh giá của PTEXIM Corp, doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lâu đời tại Việt Nam, mức tồn kho tiêu hiện nay của các thương lái trung gian - mắt xích quan trọng kết nối nông dân với nhà xuất khẩu - đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Các đại lý đối mặt với tình trạng khan hàng do đã bán hết hàng và không thể mua lại do giá tăng nhanh. Chi phí vốn cho việc nhập trữ tiêu ngày càng cao khiến việc mua và lưu trữ hàng tồn kho cần nhiều vốn hơn, dẫn đến lượng tồn kho thấp. PTEXIM Corp nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung này sẽ còn khiến giá tiêu tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện giá tiêu đen tại các kho giao ngay liên tục tăng mạnh, thiết lập mặt bàng giá sàn mới. |
PTEXIM Corp cũng cho biết thêm, trước đây nhiều nhà nhập khẩu, chế biến tiêu kỳ vọng nguồn cung nguyên liệu sẽ được bổ sung từ Brazil và Indonesia, nhưng thực tế Brazil và Indonesia hiện gần như không chào bán do tình trạng mất mùa, thu hoạch chậm vì thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, bang Espirito Santom - vùng sản xuất tiêu chính của Brazil đang bị mất mùa diện rộng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.
Hiện giá tiêu đen tại các kho giao ngay liên tục tăng mạnh, thiết lập mặt bàng giá sàn mới.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá hồ tiêu cao thì người dân được lợi và có tâm lý vui mừng. Nhưng với doanh nghiệp thì khó buôn, khó bán. Lượng hàng bán ra thị trường không dồi dào, hộ nông dân này không bán thì doanh nghiệp đi mua ở hộ nông dân khác là hơi khó.
Đồng thời, vì hợp đồng khi chốt với khách ví dụ là 150.000 đồng/kg, nhưng khi quay lại thu mua của người dân thì 150.000 đồng/kg cũng không mua nổi. Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải chịu chi phí hao hụt, chế biến, lãi suất ngân hàng.
Thị trường hồ tiêu đang diễn biến phức tạp với nhiều yếu tố tác động. Giá tiêu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các bên liên quan cần chung tay để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung và ổn định thị trường.