Infographic | Xuất khẩu tôm Việt Nam: Tăng trưởng khả quan giữa nhiều thách thức
Hai tháng đầu năm, xuất khẩu tôm hùm tăng gấp 18 lần Lấy lại đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm Xuất khẩu tôm Việt sang Trung Quốc: Tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tiềm năng |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 6/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn so với tháng trước đó. Theo đó, giá trị xuất khẩu tôm trong tháng này đạt 344 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 6%.
Tại thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này trong tháng 5 giảm nhưng đã tăng trở lại ngay trong tháng 6, đưa giá trị xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm đạt 328 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP nhận định, những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao. Vì thế, tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ phải chịu áp lực về giá, đặc biệt là tôm sú nguyên con, tôm thẻ chân trắng nguyên con.
Tương tự như thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ cũng giảm trong tháng 5 và cũng tăng trở lại ngay trong tháng 6. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tôm xuất khẩu sang thị trường này đạt 303 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, lạm phát tại Mỹ vẫn còn cao. Hơn nữa, cước tàu biển tăng đột biến tới 40% từ tháng 5 do chiến tranh ở Trung Đông và tình trạng Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Đây là những thách thức không nhỏ cho ngành tôm Việt Nam. Ngoài ra, cạnh tranh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia cũng là trở ngại lớn.
Hiện, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ được dự đoán có thể tăng nhẹ vào quý 3 năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua, phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.
Tại các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm vẫn ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 229 triệu USD và 149 triệu USD, giảm lần lượt 3% và 10% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. VASEP cũng nhận định, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.
Tại thị trường EU, sau quý 1 xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trưởng tốt. Tháng 6, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 52 triệu USD, tăng 31%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 217 triệu USD, tăng 13%. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tiếp tục tăng.
Dựa vào quy luật thị trường, kể từ quý 3 trở đi là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Do đó, giá tôm từ quý 3 trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh.