Huyện An Lão (Bình Định): Nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất
Quảng Trị: Đồng bào dân tộc vươn lên khá giả từ cây sắn Bình Định: Xây dựng thương hiệu dệt thổ cẩm của đồng bào Ba Na |
Hỗ trợ đồng bào trồng cây dược liệu dưới tán rừng
Để đạt được mục tiêu này, Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa, mở rộng thị trường tiêu thụ… Trong đó, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng đã giúp đồng bào Ba Na từng bước thoát nghèo.
Cán bộ kĩ thuật Bidiphar hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây chè dây |
Ngay từ năm 2015, Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) đã chọn vùng cao An Toàn của huyện An Lão là nơi triển khai dự án “Trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái tạo chuỗi sản phẩm nâng cao giá trị dược liệu (GACP-WHO)” với diện tích rộng hơn 75ha. Dự án đã được Bộ Y tế công nhận 8 vùng dược liệu đạt chuẩn GACP – WHO gồm: Đương quy, chè dây, dây thìa canh, cà gai leo, đảng sâm, ba kích, hà thủ ô đỏ. Từ nguồn dược liệu sạch này, Bidiphar đã cho ra đời nhiều sản phẩm như: Nhất vị linh, Hebamic, dưỡng can, bổ huyết ích não… được khách hàng đánh giá cao về hiệu quả.
Đặc biệt, từ thành công này, cuối năm 2020, Bidiphar đã trở thành đơn vị tiên phong phối hợp cùng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) thực hiện “Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây theo tiêu chuẩn GACP – WHO cho đồng bào dân tộc”. Theo đó, 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Ba Na ở xã An Toàn đã tham gia dự án. Xã An Toàn cũng thành lập 3 tổ liên kết bảo vệ chè dây mọc tự nhiên, trồng 2.000 m2 chè dây tại rẫy và 5.000 m2 chè dây khoanh nuôi dưới tán rừng.
Đến nay, dự án phát huy hiệu quả khi đồng bào Ba Na đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc chè dây theo hướng hữu cơ. Từ đó, các hộ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống được nâng cao.
Kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào
Vài năm trở lại đây, huyện An Lão đặc biệt chú trọng đến việc kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu tháng 7 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), UBND huyện An Lão và Hợp tác xã (HTX) nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho huyện miền núi An Lão năm 2023, đồng thời khai trương “Mô hình thương mại hai chiều”.
Đặc sản Bình Định thu hút đông đảo người tiêu dùng. Ảnh: Hải Yến |
Tham gia hội nghị có 130 doanh nghiệp, HTX ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước. 30 đơn vị đăng ký nhu cầu cần bán các sản phẩm hàng hóa. Trong đó có nhiều sản phẩm mang đặc trưng riêng của tỉnh như: Bún khô, phở khô, nấm, nước mắm truyền thống, bánh tráng, bánh ít, chả ram tôm đất, rau hữu cơ, trà thảo mộc, bột ngũ cốc… 100 doanh nghiệp, nhà phân phối, đại lý, nhà thuốc, cửa hàng nông sản, nhà hàng… có nhu cầu thu mua nông sản của đồng bào dân tộc ở xã An Toàn.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Định cũng triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều dự kiến xây dựng tại HTX nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn (thôn 1, xã An Toàn, huyện An Lão). Theo đó, Sở Công Thương sẽ tổ chức hỗ trợ quảng cáo, trang thiết bị trưng bày và bảo quản, thu mua nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng website bán hàng, phần mềm quản lý bán hàng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…
HTX sẽ đứng ra tổ chức tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các xã viên tại địa phương. Dự kiến, HTX sẽ mở quầy bán các sản phẩm đặc sản của huyện An Lão và hoàn thiện các bộ thiết kế, gian hàng trưng bày, bảng biển, tờ rơi, kênh truyền thông website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng danh sách các sản phẩm tiềm năng của địa phương để đưa vào bày bán tại điểm mô hình thương mại hai chiều; lựa chọn và trồng thử nghiệm một số loại nông sản, dược liệu phù hợp để chuyển giao cho các hộ thành viên và hộ liên kết.
Quyết tâm thoát nghèo
Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đưa huyện An Lão thoát nghèo vào năm 2025.
Lễ cầu mưa của đồng bào Chăm H’roi (Bình Định) |
Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, học bổng, chi phí sinh hoạt và học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở… Đồng thời, ưu tiên cấp đất sản xuất cho gần 1.700 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, huyện An Lão tiếp tục triển khai các mô hình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con, hướng đến giảm nghèo bền vững. Đó là các dự án phát triển đàn bò lai, trâu, heo đen, gà đồi. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất với tỉnh có cơ chế đặc thù để phát triển gần 1.000ha trồng dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho bà con.
Hiện nay, huyện An Lão đang xây dựng “Đề án giảm nghèo giai đoạn 2023 - 2025”, linh hoạt lồng ghép nguồn lực từ các chương trình xóa nghèo để tạo sự bứt phá, giảm nghèo bền vững.
An Lão là huyện vùng cao của tỉnh Bình Định, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%, chủ yếu là người H’rê và Ba Na. |