Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về giảm thuế VAT
Quốc hội thảo luận về chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội |
Trong phiên thảo luận hôm nay, Quốc hội tiếp tục bàn về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.
Theo chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 1.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Trong phiên thảo luận hôm qua (31.5), đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TPHCM) cho rằng, tồn dư ngân quỹ của Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng đến nay còn 1 triệu tỉ đồng cho thấy vốn dư thừa rất lớn.
Ông đề nghị linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hoặc sử dụng để xây dựng nhà ở cho thuê, nhà trọ cho người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, đồng thời hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.
Đại biểu cho rằng làm thế sẽ giúp kinh tế ổn định hơn, kích cầu thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay.
Nêu thực trạng người lao động đột ngột mất việc làm, giảm giờ làm hoặc cắt giảm các khoản phúc lợi, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi: "Nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp khi thu nhập giảm sút, trợ cấp thất nghiệp không đủ thì phản ứng của họ sẽ ra sao, ngừng việc và đình công có xảy ra hay không?”.
Bà Dung cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) thì lo ngại với việc doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra khá phổ biến, cùng tình trạng người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp, tình hình có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới.
Ông Trí đề nghị điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.
Đồng thời, cần chủ động xem xét tiếp tục hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn và hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Sau đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022.
Ngoài ra, Quốc hội cũng thảo luận việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Sau đó, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.