Hôm nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, 8h00 sáng 18/01/2024, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Phiên bế mạc được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường sáng 18/1, đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Cụ thể, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV cũng được các đại biểu ấn nút biểu quyết trước khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Hôm qua (17/1), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trên cơ sở 29 ý kiến phát biểu và 9 ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có tính chất quan trọng đặc biệt, tác động sâu rộng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Dự thảo luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự án luật tại 7 phiên họp; Chính phủ đã tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề để hoàn thiện dự án luật.
Dự thảo Luật cũng đã được lấy ý kiến nhân dân; quá trình hoàn thiện có sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, chuyên gia.