''Hồi sức'' cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ việc khơi thông dòng chảy vốn
Thanh tra Tổng công ty Xi măng Việt Nam: Doanh nghiệp nói gì? TS Trần Minh Sơn: Bất động sản cho thuê gặp khó, doanh nghiệp co cụm ''phòng thân'' |
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng dường như việc thực thi và triển khai trên thực tế chưa được như mong đợi. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thiếu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, cần có những chính sách hữu hiệu để tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Trầy trật thiếu vốn, thị trường đầu ra
Để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II/2024, Tổng cục Thống kê đã tiến hành khảo sát trên 30 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, khảo sát chỉ ra, hiện nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về đầu ra và tiếp cận nguồn vốn vay.
Dựa trên khảo sát hơn 30.000 doanh nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, nhiều doanh nghiệp hiện gặp khó về đầu ra và tiếp cận nguồn vốn vay. Ảnh minh hoạ |
Cụ thể, theo đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả khảo sát cho thấy: Có 73,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý I/2024; có 26,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra.
Vốn cho sản xuất kinh doanh cũng gặp khó khi được 21,2% doanh nghiệp xác nhận; 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao.
Chia sẻ về những khó khăn về nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Lương, Công ty Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - đơn vị chuyên làm hàng thủ công mỹ nghệ với 95% hàng được xuất khẩu thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ cho biết, thời gian qua, công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ của thành phố trong đào tạo nghề, đặc biệt mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ 100% về thuế suất nên các thủ tục nhanh gọn, thuận lợi…
Tuy nhiên, công ty vẫn gặp những khó khăn về chi phí vận chuyển, thiếu mặt bằng để sản xuất. Do đó, bà Lương kiến nghị thành phố tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là được tham gia các hội chợ quốc tế.
Việc thiếu hụt mặt bằng sản xuất không chỉ làm giảm khả năng mở rộng quy mô kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tiến độ giao hàng. Chi phí vận chuyển cao cũng là một gánh nặng tài chính đáng kể, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, việc tháo gỡ các khó khăn này là rất cần thiết để các doanh nghiệp làng nghề có thể phát triển bền vững.
Đánh giá chung trong 6 tháng đầu năm 2024, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, nội lực của nền kinh tế chưa mạnh, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tuy tăng trưởng tốt nhưng mức độ bền vững còn hạn chế và chưa đồng đều giữa các ngành. Khó khăn trong sản xuất còn tiềm ẩn do cầu trong nước và quốc tế chưa khôi phục hoàn toàn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp cả nước ta, góp phần quan trọng như tạo việc làm cho lực lượng lao động, tăng thu ngân sách. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn là một bước đà để phát triển nền kinh tế, đặc biệt trong thị trường hội nhập đầy cạnh tranh hiện nay.
Gỡ khó từ chính sách
Chia sẻ thêm về giải pháp gỡ khó vốn trợ lực doanh nghiệp, chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nâng cao tiếp cận vốn”, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HANOISME Mạc Quốc Anh thông tin, 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 14 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy hoạt động cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi. "Tuy nhiên, lãi suất cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chỉ ở mức 1,2%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 4,4%/năm đối với trung, dài hạn" - ông Mạc Quốc Anh nói.
Nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thống nhất, minh bạch, tạo điều kiện để Quỹ hoạt động hiệu quả hơn nữa, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 có hiệu lực từ ngày 10/6/2024 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong đó, quy định rõ doanh nghiệp phải trả hết khoản vay cũ đầy đủ, đúng hạn mới được xem xét cho vay khoản vay mới; đồng thời, Nghị định số 45/2024/NĐ-CP cũng quy định, mỗi doanh nghiệp chỉ được xem xét tài trợ vốn (tối đa 1 tỷ đồng) không quá 1 lần.
"Đây là cơ hội để các doanh nghiệp được cập nhật chính sách, những lưu ý quan trọng trong Nghị định số 45/2024/NĐ-CP ngày 26/4/2024 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn chức năng nhiệm vụ, tiêu chí đủ điều kiện vay vốn, hiểu rõ hơn mô hình hoạt động của Quỹ" - ông Mạc Quốc Anh khẳng định.
Thông tin về cách thức tiếp cận nguồn vốn vay của quỹ, bà Trần Thanh Thuỷ - Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, hiện Quỹ đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp về các hoạt động như cho vay trực tiếp, gián tiếp, tài trợ vốn và hỗ trợ tăng cường năng lực.
Theo đó, bà Thanh Thủy cho biết, chi nhận hỗ trợ, lãi suất cho vay của doanh nghiệp sẽ bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án.
Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một doanh nghiệp nhỏ và vừa không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của doanh nghiệp và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 7 năm.
"Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ được miễn phí trả nợ trước hạn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được cung cấp những lỗi thường gặp trong việc chuẩn bị hồ sơ vay vốn, từ đó có thể tránh những sai lầm, từ đó có thể giúp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn" - bà Thuỷ nhấn mạnh.