"Hậu" vụ án Việt Á: Cần có các thiết chế để tài sản công không bị biến thành “tài sản ông”
Xử lý dứt điểm các vụ liên quan đến Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm, y tế, giáo dục… Sự đau lòng dối trá của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long |
Tài liệu của cơ quan điều tra cho biết, Công ty Việt Á đã “vào cuộc” ngay sau hội thảo ngày 30/1/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngay sau hội thảo này, Học viện Quân y có phiếu đề xuất đặt hàng với việc Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm.
Nhận được các văn bản trên của Học viện Quân y, đối tượng Trịnh Thanh Hùng lúc này là Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) không chuyển cho văn thư Bộ này như thông lệ mà lại làm tờ trình báo cáo trực tiếp Chu Ngọc Anh (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona và được Chu Ngọc Anh đồng ý.
Ảnh minh họa |
Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn ngày 2/2/2020, Học viện Quân y có báo cáo giải trình về đề xuất nhiệm vụ, giao Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện. Trịnh Thanh Hùng đồng ý đề xuất của Học viện Quân y và đề xuất gộp nhiệm vụ nghiên cứu với nhiệm vụ chế tạo 20.000 test xét nghiệm. Mục đích của Trịnh Thanh Hùng là giúp Công ty Việt Á được tham gia đề tài vì Học viện Quân y chỉ có chức năng nghiên cứu, không có chức năng sản xuất.
Sau đó, Chu Ngọc Anh ký quyết định, giao nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút Corona mới 2019 (2019-nCoV)” cho Học viện Quân y chủ trì và Công ty Việt Á phối hợp.
Tiếp đó, Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định thành lập Hội đồng giao trực tiếp và Tổ thẩm định kinh phí gồm 14 thành viên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona.
Tổ thẩm định kinh phí do Trịnh Thanh Hùng làm Tổ trưởng có biên bản họp xác định kinh phí của đề tài là 18,98 tỷ đồng (từ ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ trung ương) thời gian thực hiện 18 tháng.
Do biết đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí từ ngân sách, kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, theo quy định pháp luật thì phải được bàn giao lại cho Bộ Khoa học và Công nghệ, vì vậy, Việt đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng trong vai trò “người anh chống lưng” để Công ty Việt Á được sử dụng, khai thác kết quả nghiên cứu đề tài.
Chính từ điểm “nút” này mà một số quan chức của Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á của Phạm Quốc Việt “hô biến” đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước (thực chất là tài sản công) thành tài sản của Công ty Việt Á, mở đường cho Phạm Quốc Việt thực hiện một loạt các hành vi sau này như đã được biết.
Bên cạnh các hành vi vi phạm đã được các cơ quan chức năng làm rõ, việc đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước qua tay một số quan chức quản lý đã bị biến thành công cụ để các đối tượng lợi dụng trong một hoàn cảnh đặc biệt như dịch Covid-19 mưu lợi cá nhân đã cho thấy việc thiếu vắng các thiết chế cần thiết trong quản lý, sử dụng tài sản công, để tài sản công biến thành “tài sản ông”, mở đường cho các hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều Điều 16 của Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đã quy định các cơ quan này thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ.
Ở trường hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định này trong bối cảnh lúc đó đã bị một số lãnh đạo từ cấp vụ chức năng đến cấp Bộ thể hiện việc thiếu tinh thần trách nhiệm, không tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Nếu quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ làm đúng quy trình về quản lý, sử dụng tài sản công, cụ thể là đề tài nghiên cứu ở trên thì Công ty Việt Á và đối tượng Phạm Quốc Việt đã khó lòng “có cửa” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và các quan chức liên quan của Bộ Khoa học và Công nghệ có thể đã không phải trả giá cho 3 từ “tớ cảm ơn” bằng những bản án nghiêm khắc trong phiên toà sắp tới đây.