Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút đầu tư FDI trong 9 tháng đầu năm
Loạt điểm sáng trên "Đất Cảng"
Thành ủy Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị Thành ủy lần thứ XIII cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.
Báo cáo cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng tiếp tục ổn định và phát triển, một số chỉ tiêu kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 10,08% (kế hoạch năm tăng 12,7% - 13%); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,47% (kế hoạch năm tăng 15%); Thu ngân sách nhà nước đạt 65.373,99 tỷ đồng, giảm 16,96% (bằng 62,45% dự toán Trung ương giao, 56,14% dự toán hội đồng nhân dân thành phố giao), trong đó, thu nội địa 21.813,38 tỷ đồng, giảm 18,41% (bằng 69,63% dự toán Trung ương giao; 51,33% dự toán HĐND thành phố giao); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 134.050,2 tỷ đồng, tăng 12,25% (bằng 70,55% kế hoạch năm).
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tặng hoa cho lãnh đạo Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng. |
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu đạt 20,65 tỷ USD, tăng 0,58% (bằng 66,61% kế hoạch năm); Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 112,2 triệu tấn, giảm 0,88% (bằng 60,65% kế hoạch năm); Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3.055,58 triệu USD, tăng 140,3% (bằng 152,78% kế hoạch năm). Số lượng khách du lịch đạt 6.215,9 nghìn lượt, tăng 13,26% (bằng 85,15% kế hoạch năm).
Môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố Hải Phòng tiếp tục được cải thiện. Hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài, đứng đầu cả nước về số vốn thu hút trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành sớm mục tiêu kế hoạch năm. Khởi công, khánh thành một số công trình, dự án lớn, góp phần nâng tầm vị thế và mở ra không gian, dư địa phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố.
Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng hơn 15 nghìn căn nhà xã hội
Tại hội nghị này, Thành ủy Hải Phòng cũng cho ý kiến về Nghị quyết phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030.
tTheo đó, nghị quyết được ban hành nhằm hoàn thành các chỉ tiêu về nhà ở xã hội tại Hải Phòng theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 và cơ bản đáp ứng được nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Phấn đấu đưa Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng 15.400 căn hộ, trong đó phấn đấu 80% là sản phẩm hoàn thành và sản phẩm đưa ra thị trường. Giai đoạn 2026 - 2030, xây dựng đạt và vượt chỉ tiêu 18.100 căn hộ.
Hải Phòng vừa tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư FDI từ đầu năm đến nay lên khoảng 3 tỷ USD, dẫn đầu cả nước. |
Phát biểu kết luận hội nghị, đánh giá về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội trong 9 tháng đầu năm, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng: Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của thành phố có nhiều điểm sáng nổi bật, đó là: thành phố xếp thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP với 10,08%; đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI với 3.055 tỷ USD, tăng 140,3% (bằng 152,78% kế hoạch năm); đứng tốp đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công vốn đầu tư công năm 2023; Hải Phòng cũng là một trong rất ít địa phương ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nhà ở xã hội; Quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Đề cập về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết thành phố sẽ chỉ đạo có nghiên cứu sâu về cơ cấu nguồn thu, về những khu vực còn dư địa tăng thu và những công ty sản xuất trên địa bàn nhưng kê khai và nộp thuế ở nơi khác… để có giải pháp; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; quan tâm đến việc thành lập Khu kinh tế tại khu vực phía Nam thành phố (bám theo tuyến đường bộ ven biển) đã được Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất cao.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chủ động hơn nữa trong xây dựng Đề án đào tạo nghề trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố; rà soát tổng thể hoạt động của các nhà máy nước mini, đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng cấp nước không bảo đảm vệ sinh; giành ưu tiên các nguồn vượt thu, thưởng vượt thu cho nhiệm vụ đầu tư, nâng cấp đi vào hoạt động ít nhất 01 bệnh viện tuyến huyện hoặc bệnh viện khu vực; tăng cường chỉ đạo bám sát các cơ quan Trung ương liên quan, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuyển giao một số cơ sở nhà, đất của các Bộ, ngành Trung ương về thành phố để thu hút đầu tư, phát triển du lịch tại quận Đồ Sơn; có phương án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, vừa bảo đảm phát huy hết tiềm năng du lịch, vừa bảo đảm bảo vệ di sản thiên nhiên Cát Bà; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trong Đảng...