Hà Nội xem xét tăng giá vé tham quan: Nhiều người lo lắng, điều chỉnh kế hoạch cá nhân
Việc Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ xem xét điều chỉnh giá vé tham quan với một số di tích tại Hà Nội trong Kỳ họp thứ 14 đã khiến nhiều người lo lắng và sốt sắng điều chỉnh kế hoạch vui chơi.
Trên địa bàn thành phố có một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa có thu phí gồm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Cổ Loa, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, đền Quán Thánh, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Chùa Hương.
Giá vé tăng gấp 2, 3 lần
Theo đề xuất, giá vé tham quan di tích sẽ thay đổi như sau:
Giá vé tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa tại Hà Nội theo quy định mới |
Nhiều người lo lắng
Với sự thay đổi về giá vé, chị Ngọc Mai (23 tuổi, nhân viên văn phòng) cảm thấy khá bất ngờ. Không những vậy, điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tham quan những di tích mà chị chưa từng đến.
Chị chia sẻ “Có lẽ mình sẽ phải nhanh chóng thực hiện các kế hoạch này trước khi tăng giá”.
Không chỉ những người đi làm, các bạn sinh viên, đối tượng vẫn được hưởng những ưu đãi về giá vé, cũng kêu than về việc giá vé tham quan sẽ tăng lên quá nhiều.
“Vì vẫn là sinh viên, còn đi học nên mình không muốn bỏ ra quá nhiều tiền để tham quan lại các điểm di tích. Và giá vé khá cao cũng sẽ khiến mình thay đổi quyết định đưa gia đình đến tham quan”, Nguyễn Thị Đào, sinh viên khoa ngôn ngữ Trung, Đại học Hà Nội bảy tỏ.
Trong khi đó, Quỳnh Anh (sinh viên Đại học Giáo dục) không khỏi ngỡ ngàng và hoang mang khi nghe tin giá vé sắp tăng. Quỳnh Anh kể “Mình sốc nhất là giá vé tham quan Hoàng thành Thăng Long, có khi giá vé tăng lên hơn 3 lần so với lúc trước”.
Việc Quỳnh Anh lo lắng hoàn toàn đúng vì nữ sinh này thường xuyên đến các di tích lịch sử, công trình văn hóa cùng bạn bè mỗi khi có thời gian rảnh, vừa để trải nghiệm vừa để thư giãn và hiểu hơn về giá trị lịch sử, những gì ông cha đã gây dựng.
Nữ sinh tâm sự “Đầu năm nào mình cũng đi Văn Miếu, mới đây mình đã đi tour đêm. Mình đi Nhà tù Hỏa Lò tận 5 lần trong một năm. Mình đang muốn đi tour đêm tại nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long nhưng có thể tới đây, mức giá quá đắt nên phải sắp xếp đi ngay trong tháng này”.
Việc tăng giá vé thời điểm này chưa hợp lý
Không chỉ bất ngờ, sốc trước thông tin giá vé, chị Mai cùng các bạn sinh viên cho rằng việc tăng giá vé cần phải xem xét kỹ lưỡng và các tour phải đảm bảo chất lượng mới có thể giữ chân nhiều khách tham quan, đặc biệt là khách nội địa.
“Ở thời điểm hiện tại, mình nghĩ việc tăng giá vé sẽ ảnh hưởng nhiều đến những người trẻ (không phải học sinh, sinh viên đang sinh sống ở Hà Nội). Đối tượng này không được hưởng chính sách, giá vé ưu đãi và nếu các địa điểm không đủ sự thu hút thì với giá vé cao sẽ khiến họ từ bỏ các kế hoạch tham quan”, chị Mai cho hay.
Là một người yêu những giá trị lịch sử, đi tham quan nhiều di tích tại Hà Nội, chị Mai cho biết, các khu di tích cần tăng cường chất lượng dịch vụ trước (thuyết minh, chất lượng vệ sinh môi trường, các hoạt động trải nghiệm...) rồi mới tăng giá vé. Như vậy, người tham quan cũng nhận thấy được sự thay đổi mà chấp nhận tiền vé mới.
Còn với ý kiến chủ quan của Quỳnh Anh, nữ sinh lại lo lắng về hoạt động truyền thông cho các địa điểm này, có thực sự hiệu quả và mở rộng mạng lưới tiếp cận hay chỉ theo xu hướng trong khi giới trẻ quan tâm hơn đến giá trị lịch sử và ngày càng nhiều tour đêm được thiết kế.
Năm nay, nhiều chuyên gia và những người làm trong ngành du lịch cho biết kinh tế vô cùng khó khăn, kéo theo đó là du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng. Tất cả mọi người đang thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, việc tăng giá vé lúc này (tăng gấp 2, 3 lần) chưa thực sự hợp lý. Thậm chí, điều này đang đi ngược lại với nhiều chính sách kích cầu hấp dẫn trong nước của các công ty, đơn vị du lịch.
Chưa kể, nhiều khách tham quan trong nước chưa thực sự hài lòng về chất lượng dịch vụ một số di tích. Vậy việc tăng giá vé gấp 2, 3 lần đã thực sự hợp lý trong giai đoạn này hay chưa?
Trong Ngày Di sản Văn hóa 23/11, tất cả các di tích sẽ không thu phí. Đền Ngọc Sơn không thu phí ngày giỗ Thánh 20/8 âm lịch; các ngày mồng 1 âm lịch hàng tháng trong năm. Chùa Hương không thu phí ngày 30, 1, 2 Tết Nguyên đán; ngày lễ Phật Đản (15 tháng 4 âm lịch). Đền Quán Thánh, Chùa Tây Phương, Chùa Thầy, Làng cổ Đường Lâm không thu phí các ngày 30/12 âm lịch; ngày mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán. Các đơn vị trực tiếp quản lý di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tổ chức thu phí trực tiếp. Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa. Đối tượng miễn thu phí là người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10.4.2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật người khuyết tật; trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em (người dưới 16 tuổi). Đối tượng giảm 50% mức phí là người khuyết tật nặng theo quy định tại khoản 2, Điều 11, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10.4.2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên có thẻ người cao tuổi (hoặc thẻ căn cước công dân/ các loại giấy tờ khác chứng minh); học sinh, học viên, sinh viên từ 16 tuổi trở lên có thẻ học sinh, học viên, sinh viên do các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam cấp; các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa. |