Giải bài toán giảm phát thải ròng bằng “0” cho ngành năng lượng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một tuyên bố quan trọng tại COP26, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050 thông qua sử dụng các nguồn lực trong nước và hợp tác quốc tế. Để đảm bảo an ninh năng lượng bền vững và kết quả kinh tế khả quan, một quy trình phân tích toàn diện và đa dạng đóng vai trò quan trọng.
Như một phần trong nỗ lực này, Hiệp hội Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Đông Nam Á (ETP/UNOPS) đang triển khai "Nghiên cứu Chẩn đoán Kịch bản Net-Zero cho Ngành Năng lượng Việt Nam" nhằm tiến hành đánh giá kịch bản toàn diện về quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng của Việt Nam hướng tới Net-Zero vào năm 2050.
E4SMA (Itali), VietStar (Việt Nam) và EML (Đan Mạch) là các đơn vị tư vấn phụ trách triển khai dự án trên.
Trong tiến trình dự án, một hội thảo tham vấn về dữ liệu và giả định đã được tổ chức vào ngày 9/5 vừa qua tại Hà Nội, với sự tham dự của các đối tác thực hiện nhằm mục đích thông tin về dữ liệu và giả định chính sẽ được sử dụng trong phân tích của kịch bản Net-zero, thu thập thêm thông tin đầu vào về dữ liệu và giả định từ các bên liên quan và tổng hợp các quan điểm/ý kiến về các phân tích độ nhạy sẽ được thực hiện trong nghiên cứu.
Các bên liên quan tham dự hội thảo tham vấn |
Hội thảo có sự tham dự của các đại diện từ Bộ Công Thương (MOIT), Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), các cơ quan hợp tác quốc tế và các bên liên quan chính trong lĩnh vực năng lượng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Ông John Cotton, Quản lý Chương trình cấp cao, Hiệp hội Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) nhấn mạnh rằng nghiên cứu về Net-zero được triển khai dựa trên nghiên cứu thực chứng, áp dụng phương pháp phân tích định lượng để đạt được mức phát thải ròng bằng không.
Còn theo ông Maurizo Gargiulo - Trưởng dự án đến từ E4SMA, các biện pháp giảm thiểu về công nghệ như điện khí hóa, nhiên liệu tổng hợp, hiệu quả năng lượng, thu giữ carbon và thậm chí loại bỏ CO2 trực tiếp khỏi khí quyển đều có thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, liên quan đến các chính sách được đưa vào kịch bản phát thải Net-zero, đại diện các doanh nghiệp như PVN, EVN, TKV… cũng đề xuất rằng, nghiên cứu nên tham khảo phiên bản mới nhất của Quy hoạch điện VIII để đưa thông tin cập nhật vào báo cáo.
Theo ông Phạm Hoàng Lương - Trưởng dự án trong nước Dự án “Nghiên cứu chẩn đoán các kịch bản Net-Zero cho ngành năng lượng Việt Nam”, bài toán giảm phát thải ròng bằng “0” đối với ngành năng lượng Việt Nam cho đến năm 2050 không chỉ thuần túy là tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo, tăng dần sự thâm nhập của công nghệ năng lượng mà chúng ta còn có đích đến là các dự án chuyển đổi xanh.
Theo kế hoạch, hội thảo tham vấn tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6/2023. “Trong các giai đoạn tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ và góp ý từ các Bộ/Ban/Ngành cùng các cơ quan liên quan để việc nghiên cứu, thực hiện dự án hiệu quả, đúng tiến độ”- bà Phạm Thu Hằng, CEO VietStar, Ban quản lý dự án cho biết.