Đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050: "Luật chơi" mới về thương mại, đầu tư toàn cầu
Việt Nam phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 |
Tại hội nghị COP 26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam tham gia sâu hơn vào "sân chơi" thương mại, đầu tư toàn cầu |
Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - chia sẻ, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Do vậy, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp.
Đây cũng là "luật chơi" mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau hội nghị COP26. Theo đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Việt Nam còn gặp khó khăn trong vấn đề nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới như công nghệ để đảm bảo được an ninh, cân bằng các nguồn điện khi kiểm tra năng lượng tái tạo, công nghệ thu giữ carbon, công nghệ sản xuất nguồn năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tài chính cũng là vấn đề cần được chú ý để thu hút nhà đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề tài chính, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã nhấn mạnh, cơ chế tài chính, chính sách để huy động vốn đóng vai trò quan trọng nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển các mục tiêu sau này, đặc biệt sự hỗ trợ về kỹ thuật và kinh tế.
Nhất đồng quan điểm, Việt Nam luôn ưu tiên mọi nguồn lực cho “tương lai xanh” nên sau hội nghị COP26, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trưởng ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26 đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều hoạt đồng như: Cập nhập đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) năm 2022; xây dựng và công bố Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam; xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu 2050; chương trình hoạt động về chuyển đổi năng lượng xanh…
Các hoạt động cũng như cam kết của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao, cũng như bày tỏ sẵn sàng tham gia hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng.
Trong đó, các đối tác như Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu, Vương quốc Anh, Đan Mạch, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Úc, New Zealand, Phần Lan, Hà Lan, Hoa Kỳ; UNEP, WB, ADB, IFC, WWF, UNDP… dự kiến sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng và năng lượng tái tạo; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; phát triển thị trường carbon; kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tài chính, chuyên gia; hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tại Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng, do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, một lần nữa nhiều đối tác quốc tế cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 và chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, đối tác cũng nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng chính sách cụ thể, nâng cao đào tạo trong khoa học - công nghệ; tăng cường hoạt động truyền thông đảm bảo công khai, minh bạch cho các bên có liên quan.
Để đảm bảo đến năm 2050 tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0, từ năm 2022, các cơ sở phát thải hàng năm có lượng phát thải từ 3.000 tấn CO2tđ trở lên bắt buộc phải kiểm kê và giảm phát thải. Chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng khuyến khích các cơ sở phát thải khác, nhất là cơ sở thuộc khu vực công thực hiện công tác này. Bởi về sau, đối tượng sẽ mở rộng hơn đến các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên vào năm 2030 trở đi; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040. |