“Cầm cương” giá vàng – Bài 1: Hoa mắt, chóng mặt vì giá vàng "nhảy múa" liên tục
Giá vàng “nhảy múa”
Thời gian vừa qua, giá vàng liên tục biến động tăng dựng đứng và hiện vẫn neo ở mức cao. Cập nhật tại thời điểm 5h00 sáng nay (19/4), giá vàng SJC giao dịch ở mức 82,1 - 84,1 triệu đồng/ lượng (mua vào – bán ra), có chiều hướng đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua.
Trước đó, trong phiên 15/4, giá vàng trong nước lập đỉnh cao mới ở mức 83 - 85,2 triệu đồng/lượng (mua - bán), cao nhất trong lịch sử. Nếu so với thời điểm giá vàng cao nhất tháng 3/2024, ở mức 80,0 - 82,0 triệu đồng/ lượng (mua - bán), giá vàng hôm nay đã tăng lên 2,1 triệu đồng/ lượng cả hai chiều.
Giá vàng liên tục biến động trong thời gian qua |
Theo các chuyên gia kinh tế, giá vàng trong nước lên "cơn sốt" trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là bị tác động mạnh mẽ bởi giá vàng thế giới. Theo dự đoán của Long Forecast (Cơ quan Dự báo Kinh tế EFA - Mỹ) giá vàng trong năm nay có thể đạt đỉnh tới 2.489 USD/ounce
Lo ngại về căng thẳng giữa Nga và Ukraine, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và mới đây nhất là xung đột tại khu vực Trung Đông giữa Iran và Israel vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, làm gia tăng hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn chưa thoát khỏi tình trạng bất ổn sau đại dịch, đã tạo ra một không khí bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Không chỉ vàng, mà rất nhiều mặt hàng khác cũng phải đương đầu với sự kiện này.
Biến động tiền tệ và lạm phát cũng là nguyên nhân lớn tác động đến giá vàng thế giới, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường vàng Việt Nam. Sự biến động của tiền tệ và lo ngại về lạm phát cũng làm tăng nhu cầu đối với vàng, vốn được coi là một công cụ bảo vệ chống lại sự mất giá của tiền tệ và lạm phát.
Các nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu không chắc chắn, việc đầu tư các loại tài sản khác gặp nhiều rủi ro. Việc này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá vàng lên cao. Nhà đầu tư thường chuyển hướng đầu tư vào các tài sản an toàn như vàng trong những thời kỳ biến động kinh tế mạnh như vậy.
Sau sự việc Mỹ và một số nước phương Tây đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài nhằm phản ứng lại cuộc chiến của quốc gia này ở Ukraine, nhiều ngân hàng trung ương đã chọn cách mua và dự trữ vàng vật lý nhiều hơn nhằm tránh nguy cơ bị áp đặt các biện pháp cấm vận giống như của Nga đối với tài sản ở nước ngoài. Việc này cũng đẩy giá vàng thế giới liên tiếp ở mức cao chưa từng thấy.
Thị trường vàng SJC trong nước cũng có sự chênh lệch lớn về cung cầu, nhiều người mong muốn nắm giữ vàng mà lượng bán ra lại ít. Tâm lý đám đông sẽ là nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao, Đặc biệt, giá vàng hiện nay của Việt Nam đang cách khá xa so với giá vàng thế giới, nhất là vàng SJC có thời điểm chênh lệch lên tới 20 triệu đồng một lượng, chưa kể độ vênh giữa mua vào và bán ra quá lớn, tiềm ẩn rủi ro khi nhà đầu tư cần bán để thu hồi vốn.
Người đắc ý, kẻ “vỡ mộng”
Việc giá vàng biến động liên tục khiến không ít nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa. Nhiều nhà đầu tư vàng với tâm lý chầu chực, có người lãi đậm cả trăm triệu đồng, nhưng cũng có người trong vài phút bay ngay hàng nghìn USD.
Cuối năm ngoái khi giá vàng bắt đầu có dấu hiệu rục rịch tăng, anh Minh Đức ở Hà Nội chia sẻ, anh mua 15 lượng vàng SJC thời điểm giá 74 triệu đồng/lượng. Khi giá vàng SJC vượt mức 80 triệu đồng/lượng anh Đức đã tranh thủ chốt lời thu được gần 100 triệu đồng.
Nhưng cũng cùng thời điểm đó, chị Nguyễn Minh Tú cũng ở Hà Nội chia sẻ, khi giá vàng SJC lên trên 80 triệu đồng/lượng, chị đã quyết định mua 5 lượng với giá 80,2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, khi nhân viên giao dịch vừa in phiếu ra đứng chờ lấy vàng, giá vàng lập tức tụt xuống 80,1 triệu đồng/lượng rồi về 80 triệu đồng/lượng. Quá chóng mặt vì chị còn chưa cầm được vàng trong tay mà chỉ vài phút chị đã mất toi 1 triệu đồng.
Anh Bình Nguyễn, một nhà đầu tư vàng tại Hà Nội cho biết, có thời điểm, giá vàng quanh mốc 77 - 78 triệu đồng cứ ngỡ giá vàng đang ở đỉnh, mang đi bán, vì nghĩ cơ quan quản lý sẽ có các chính sách giảm giá vàng. Tuy nhiên đó mới chỉ là "cơn sóng" nhỏ báo động sóng thần ở phía sau.
Rất nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam có dự tính chuyển hướng sang vàng vào thời điểm này, vì thấy giá vàng ngày một lên cao, nhưng rồi họ cũng lặng lẽ đứng ngoài cuộc chơi, e ngại với giá vàng chấp chới thời điểm hiện tại.
Cách nào hạn chế rủi ro?
Các nhà phân tích khuyến cáo nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá toàn diện những yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá vàng.
Việt Nam cũng chỉ là một trong số rất nhiều quốc gia bị ảnh hưởng giá vàng từ những sự kiện trên, tuy vậy thị trường vàng trong nước cũng sôi động do nhu cầu đầu tư vàng cao, nguồn cung khan hiếm, giá vàng cũng vì thế mà khó có xu hướng bình ổn trở lại.
Một số nhà phân tích tại Mỹ cũng chỉ ra rằng, về dài hạn, giá vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa do kinh tế Mỹ đã tăng trưởng chậm lại, vẫn tiềm ẩn rủi ro suy thoái, nhất là khi đường cong lợi suất trái phiếu đang đảo ngược.
Một số chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, việc giá vàng có giảm hay không phụ thuộc rất nhiều vào giá vàng thế giới và lượng cung vàng miếng trong nước, việc đó cần có thời gian áp dụng các chính sách tăng cung của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên với sự chênh lệch so với giá vàng thế giới, việc giảm độ chênh để bình ổn giá cũng rất cần thiết.
Việc ổn định lại giá vàng sẽ là một quá trình dài, Nhà nước cũng đã bắt đầu triển khai một số phương án nhằm tăng cung vàng và đẩy mạnh các biện pháp nhằm minh bạch việc giao dịch vàng toàn quốc.
“Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng, thị trường vàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định rất quan trọng với bất kỳ nhà đầu tư nào”, một chuyên gia cho biết.
Bài 2: Ai được lợi?