Giá thực phẩm tại chợ dân sinh tăng, siêu thị bình ổn sau bão Yagi
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, sau bão Yagi, tại các chợ truyền thống khu vực Tây Hồ - Hà Nội không khí mua bán diễn ra trầm lắng, vắng bóng người mua. Một số hộ kinh doanh tại khu vực chợ này vẫn nghỉ bán. Các tiểu thương lý giải do phần lớn người tiêu dùng đã mua tích trữ thực phẩm từ trước bão.
Tại chợ Xuân La, chiều tối ngày 8/9, nhiều quầy hàng hàng hóa sơ sài. Một vài sạp hàng lác đác một số loại rau củ quả. Chỉ có một vài quầy thịt là có hàng mới, tuy nhiên số lượng cũng hạn chế.
Tại các chợ truyền thống khu vực Tây Hồ - Hà Nội nhiều loại rau củ quả tăng giá 20-30%. Ảnh: Nguyễn Hương |
Chị Nguyễn Thu (Xuân La, Tây Hồ) cho biết, sau bão, nhiều mặt hàng có dấu hiệu tăng giá mạnh. Các loại rau, củ, quả giá có loại tăng gấp đôi so với trước bão. Nhiều hàng chưa mở bán trở lại, như các cửa hàng đậu phụ, các cửa hàng hải sản...
Chia sẻ với Báo Công Thương, chị Mai Phương - tiểu thương kinh doanh ở chợ Xuân La (Tây Hồ) cho hay, giá rau củ đã tăng dần từ mấy ngày trước bão khi nhu cầu tích trữ của người dân lên cao. "Giá rau hôm nay tăng tiếp 20-30% so với hai ngày trước vì khan hiếm hàng do mưa bão ", chị Phương nói.
Cụ thể, rau muống trước bão giá chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/mớ nay đã tăng lên 20.000 đồng/mớ. Bắp cải cũng tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với trước, giá bán đang là 25.000 đồng/kg. Rau cải xanh, mùng tơi cũng nâng giá từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/mớ. Su su 25.000 đồng/kg; đỗ xanh 40.000 đồng/kg; hoa lơ 60.000 đồng/kg; bí xanh 30.000 đồng/kg; hành tây 20.000 đồng/củ…
Nhiều quầy hàng vẫn bán nhưng hàng hóa sơ sài, còn gì bán nấy. Ảnh: Nguyễn Hương |
Bên cạnh rau củ quả, các loại thịt giữ giá bình ổn hơn. Cụ thể, giá thịt lợn tại chợ dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại. Giá thịt bò từ 240.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại. Cá nước ngọt từ 55.000 – 120.000 đồng/kg; Trứng gà tại chợ vẫn giữ ở mức giá như những ngày trước bão là 30.000 đồng/10 quả.
Lý giải giá rau củ tăng, các tiểu thương cho biết, do giá mua buôn tăng cao, việc nhập hàng, di chuyển cũng khó khăn hơn nhiều do ảnh hưởng mưa bão. Dự kiến giá rau vài ngày tới đây sẽ khó giảm vì mưa bão gây thiệt hại nhiều hoa màu.
Bên cạnh đó, ghi nhận của phóng viên tại một số siêu thị như Thành Đô (Hồ Tùng Mậu), WinMart (Nguyễn Khánh Toàn) cửa hàng tiện lợi ở các khu chung cư hoạt động mua sắm bình thường nhưng mặt hàng thực phẩm, đồ ăn rất ít ỏi, khan hàng do người dân đổ xô đi mua đông.
Chị Hồng Vân (quận Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ: "Trước, trong và sau bão, những mặt hàng như rau xanh, củ quả... ở ngoài chợ dân sinh cháy hàng và tăng giá mạnh. Theo đó, tôi đã chuyển sang mua tại các siêu thị vì giá cả niêm yết, bình ổn và có nhiều chương trình khuyến mãi hơn. Tuy nhiên, do lượng khách mua đông nên các mặt hàng rau củ quả tại siêu thị đã hết sạch".
Siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi ở các khu chung cư đều "cháy" hàng thực phẩm và chưa kịp bổ sung. Ảnh: Phương Cúc |
Ngoài ra, một số siêu thị cháy hàng, ghi nhận của Báo Công Thương tại các siêu thị lớn ở Hà Nội như Big C Thăng Long, Aeon, Lotte Mart, Co.op Mart... các kệ hàng vẫn chất đầy hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, rau xanh...
Đại diện siêu thị Big C Thăng Long cho biết, trong ngày 8/9, siêu thị đã tăng lượng hàng hóa lên 300%. Các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, rau xanh vẫn dồi dào, đầy ắp, không còn cảnh cháy hàng như ngày trước bão.
Đặc biệt, nhiều mặt hàng trước và sau bão đều được giảm giá để phục vụ người dân. Từ chiều 8/9, lượng khách đến siêu thị tăng dần, nhiều thời điểm các quầy thanh toán chật kín người xếp hàng chờ thanh toán.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sài Gòn Co.op Hà Nội chia sẻ về kế hoạch cung ứng hàng hóa trước và sau bão Yagi để không bị đứt gãy chuỗi hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân. "Ghi nhận tình hình kinh doanh, trước và sau bão hệ thống Co.opmart vẫn đầy đủ, dồi dào hàng nhu yếu phẩm. Nhân viên siêu thị túc trực tại các line hàng, cash thu ngân, kho bãi… để nhanh chóng bổ sung, không để khách hàng chờ đợi" - bà Dung nói.
Hệ thống siêu thị Co.opmart luôn cung ứng đầy đủ thực phẩm phục vụ nhu cầu trước, trong và sau bão cho người dân. Ảnh: Nguyễn Hương |
Các siêu thị Co.opmart ở những tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 cũng sẵn sàng đối ứng cùng đồng nghiệp thông qua những chuyến hàng vận chuyển xuyên đêm, linh động điều động nhân sự cho những nơi điểm bán cần thiết. Bên cạnh đó, Co.opmart tiếp tục thực hiện các chương trình đang được áp dụng tại hệ thống, bình ổn giá cả, một số mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, mỳ ăn liền... đều giảm giá từ 30-50%.
Nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội như Big C Thăng Long, Aeon, Co.op Mart... các kệ hàng vẫn chất đầy hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, thức ăn chế biến. Ảnh: Nguyễn Hương |
Để đảm bảo nguồn cung hàng hoá, trước đó, chiều ngày 8/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Công điện số 6815/CĐ-BCT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước; Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa.
Chỉ đạo toàn lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão để thu lời bất chính.
Trọng tâm là xác định nguyên nhân, đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được giao quản lý. Đồng thời, kiểm tra, xử lý đối với tất cả các hành vi vi phạm theo thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, thương nhân kinh doanh hợp pháp.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn các tỉnh, thành phố.