Hà Nội: Người dân đổ xô mua sắm, tích trữ đồ trước khi siêu bão Yagi đổ bộ
Trước thông tin về siêu bão số 3 (hay còn gọi là bão Yagi) có thể đạt cấp 13, giật cấp 16, sáng và trưa hôm nay (6/9) rất đông người dân đã kéo đến các chợ, siêu thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội để mua hàng hóa thiết yếu dự trữ cho những ngày mưa bão.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, sức mua của người dân tại các siêu thị như Big C, Winmart, Lotte... trong trưa 6/9 đã tăng đột biến.
Cụ thể, ghi nhận tại siêu thị Winmart Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) vào trưa 6/9, các kệ hàng rau, củ quả đã trống trơn, nhiều người đi muộn không còn đồ để mua.
Quầy hàng rau bắp cải tím tại Winmart gần như trống trơn. |
Các mặt hàng được người dân tập trung mua nhiều tại siêu thị Winmart là rau xanh, các loại thịt, trứng, sữa… Bên cạnh các mặt hàng tươi sống, nhiều người cũng mua các đồ khô đề phòng mất điện dài ngày như: Cá khô, mực khô, xúc xích, bánh mì, và đặc biệt là mì tôm…cũng được người dân mua sạch.
Các quầy hàng rau, thịt và bánh mì tại Winmart gần như không còn mặt hàng. |
Đại diện siêu thị Winmart Hà Nội cho biết, lượng khách bắt đầu tăng cao từ 2 ngày trước, riêng hôm nay (6/9) đã tăng gấp đôi.
Tại Winmart, người dân phải chờ rất lâu để thanh toán tiền. |
Tương tự, ghi nhận tại các siêu thị Lotte, Big C, rau xanh cũng là mặt hàng được bán chạy nhất và hết hàng sớm nhất.
Ghi nhận tại siêu thị Lotte vào trưa ngày 6/9, quầy hàng rau cải và rau dền đã bán "hết sạch" |
Tương tự, quầy hàng rau sống tại Lotte cũng "trống trơn". |
Còn tại quầy rau xanh tại siêu thị Big C, chỉ còn lác đác một vài gói rau. |
Ngay cả vào giờ nghỉ buổi trưa, siêu thị Big C vẫn chật kín người. |
Một khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C, chị Lưu Thị Lan Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị tranh thủ đi mua sắm một ít nhu yếu phẩm đủ cho gia đình đình dùng trong 3 ngày, đề phòng mưa bão, ngập lụt.
“Siêu bão lần này đã được dự báo đổ bộ lớn, có thể sẽ Hà Nội sẽ lại ngập sâu, rất khó khăn trong vài ngày tới nhưng tôi chỉ mua đủ dùng trong khoảng 3 ngày. Nếu mua nhiều, khi mất điện thì không bảo quản được thực phẩm”, chị Hương cho biết.
Các sản phẩm bún, mì, phở ăn liền là những mặt hàng được bán chạy nhất tại các siêu thị. |
Đại diện các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội đều cho biết, giá các mặt hàng vẫn ổn định như ngày thường. Ngoài ra, các siêu thị cũng khẳng định, nguồn hàng vẫn rất dồi dào, cung cấp đủ nhu cầu của người dân trong các ngày tới.
Còn tại một số chợ dân sinh tại khu vực Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai,…lượng người mua sắm các mặt hàng tươi như rau, củ, quả cũng tăng mạnh. Tại thời điểm ghi nhận, giá cả các mặt hàng này ở các chợ vẫn bình ổn như thường ngày, không có dấu hiệu lợi dụng thiên tai để “chặt chém”.
Tại một số chợ dân sinh, lượng người mua sắm các mặt hàng tươi như rau, củ, quả cũng tăng mạnh. |
Cụ thể, giá cá chép 55.000 đồng - 60.000 đồng/kg, cá trắm trắng 70.000 đồng/kg, cá trắm đen 100.000 đồng/kg. Sườn thăn, thịt ba chỉ đồng giá 130.000 đồng/kg. Thịt lợn nạc vai 140.000 đồng/kg, xương cục 70.000 đồng/kg, xương ống 25.000 đồng/kg.
Riêng rau xanh, một số mặt hàng chỉ tăng nhẹ. Đơn cử như rau muống 12.000 đồng/bó. Rau mồng tơi, rau dền 10.000 đồng/bó. Rau ngót 10.000 đồng/mớ. Bí xanh, mướp ta 20.000 đồng/kg. Su su Mộc Châu 15.000 đồng/kg.
Tiểu thương được dịp “cháy hàng” như ngày Tết. |
Chị Cao Minh Trang (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, từ tối hôm qua, chị đến các chợ truyền thống và siêu thị gần như đã hết sạch rau và đồ khô.
“Nghe báo đài dự báo về bão Yagi tôi phải tranh thủ đi mua ngay ít đồ dự trữ từ chiều hôm qua nhưng phải đến sáng nay mới mua được ít rau. Dù lượng người mua rất đông nhưng tôi thấy giá thực phẩm vẫn bình ổn, chỉ có rau ở chợ là nhỉnh hơn ngày thường một ít”, chị Trang nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành công điện về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024. Trong đó, nội dung công điện nêu rõ việc chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng. |