Giá đường tăng cao trước lo ngại sản lượng thấp tại châu Á
Giá đường tăng mạnh trước lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu đường vụ mới Giá đường vẫn tiếp tục đi lên, cà phê diễn biến trái chiều |
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/9, sắc đỏ đã trở lại và chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Dù vậy, giá đường vẫn duy trì được sự tích cực.
Giá 2 mặt hàng đường ghi nhận mức tăng lần lượt 1,63% với đường 11 và 1,81% với đường trắng trong phiên hôm qua. Với mức tăng trên, giá đường duy trì ở vùng giá cao trong 12 năm. Tâm điểm chú ý của thị trường tiếp tục là lo ngại sản lượng thấp tại khu vực châu Á.
Hình minh họa |
Các nhà phân tích cho biết, gió mùa yếu tại Ấn Độ, khiến cho hoạt động sản xuất mía đường không được thuận lợi. Cùng với đó, quyết định gia hạn thời gian áp dụng tỷ lệ pha trộn 20% ethanol vào xăng của quốc gia này, khiến lượng mía ép được ưu tiên cho chiết suất ethanol hơn sản xuất đường. Điều này tạo ra áp lực kép với hoạt động sản xuất đường, gia tăng lo ngại sản lượng sụt giảm và khả năng cao sẽ cấm xuất khẩu đường vào tháng 10 tới.
Giá bông cũng ghi nhận mức tăng 0,59% trong phiên hôm qua, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức 88,30 cents/pound. Cung – cầu bông toàn cầu niên vụ 2023/24 thâm hụt kết hợp cùng việc cắt giảm tồn kho cuối kỳ đã hỗ trợ giá tăng.
Trong báo cáo cung-cầu nông sản tháng 9, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm tồn kho cuối kỳ xuống 89,961 triệu kiện, từ mức 91,595 triệu kiện trong báo cáo tháng 8. Cùng với đó, thâm hụt bông toàn cầu tăng từ 2,8 triệu kiện lên 3,5 triệu kiện trong báo cáo mới nhất.
Ở chiều ngược lại, giá 2 mặt hàng đường đều có sự suy yếu với mức giảm lần lượt 0,56% của Arabica và 0,37% của Robusta. Đồng USD tăng trở lại kết hợp cùng tiến hiệu tích cực trong tồn kho cà phê trên Sở ICE đã gây áp lực lên giá.
Chỉ số Dollar Index tăng 0,14% trong phiên hôm qua, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real tăng 0,33%. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng hơn phiên trước, đã thúc đẩy nông dân gia tăng việc bán hàng nhờ thu về nhiều nội tệ hơn.
Hơn nữa, tồn kho trên Sở ICE-US nhận được lượng hàng bổ sung hơn 18.000 bao từ Brazil và tồn kho tại Sở ICE-EU tăng thêm 490 tấn lên 35.770 tấn trong báo cáo cuối phiên 11/9, giúp thị trường thêm phần an tâm về nguồn cung trên thị trường.
Giá dầu cọ hợp đồng tháng 11 giảm 0,81%, ghi nhận phiên suy yếu thứ 7 liên tiếp và đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 07.
Áp lực từ việc tồn kho dầu cọ cuối tháng 08 của Malaysia tăng 22,5% so với tháng trước và vượt qua dự đoán của giới phân tích vẫn đang đè nặng lên giá dầu cọ.
Ngoài ra, sự suy yếu của các loại dầu thực vật khác trên thị trường quốc tế cũng bổ sung thêm sức ép lên giá loại dầu này.