Giá đường tăng mạnh trước lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu đường vụ mới
Doanh nghiệp sản xuất mía đường hưởng lợi nhờ giá tăng cao Giá đường tiếp tục tăng trước lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu đường sau 7 năm |
Kết thúc tuần giao dịch 21/08 – 27/08, sắc xanh hoàn toàn bao phủ lên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.
Ấn Độ lên kế hoạch cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24, khiến thị trường gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.
Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới cho biết, họ đang lên kế hoạch cho việc cấm các nhà máy nước này xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10 tới. Giới chức trách của Ấn Độ cho biết, hoạt động xuất khẩu đường sẽ phụ thuộc vào tình hình sản xuất đường tại quốc gia này. Được biết, El Nino khiến thời tiết thay đổi, dẫn đến sản lượng đường được dự đoán sẽ sụt giảm mạnh.
Trước đó, các đơn vị phân tích trên thị trường đã đưa lời cảnh báo về việc sản lượng đường sụt giảm tại Ấn Độ và Thái Lan cũng một số quốc gia sản xuất lớn khác có thể khiến cán cân cung – cầu đường niên vụ 2023/24 thâm hụt.
Trong tuần này, thông tin liên quan đến nguồn cung đường tại Ấn Độ và Brazil khả năng cao sẽ tiếp tục là tiêu điểm của thị trường đường, và sẽ là những nhân tố có ảnh hưởng lớn đến diễn biến giá trong tuần.
Giá bông cũng ghi nhận mức tăng hơn 4% trong tuần vừa qua trước lo ngại sản lượng bông của Mỹ sẽ sụt giảm do ảnh hưởng từ nắng nóng kéo dài.
Giới quan sát cho biết, nắng nóng đang diễn ra tại Mỹ, đặc biệt là Texas, khu vực trồng bông chính của quốc gia này. Điều này dẫn đến cây bông tại đây không thể phát triển trong điều kiện lý tưởng nhất, kéo theo sản lượng có thể đi xuống.
Giá hai mặt hàng cà phê cũng ghi nhận sự khởi sắc với mức tăng lần lượt 2,10% của Arabica và 3,13% của Robusta. Bất chấp việc nguồn cung cà phê đang sẵn có tại Brazil, tồn kho cà phê ở mức thấp đối với cả hai mặt hàng đã tạo những hỗ trợ lên giá.
Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE hiện tại ghi nhận ở mức 512.753 bao loại 60kg, mức thấp nhất được ghi nhận trong 9 tháng trở lại đây và kéo dài đà giảm của dữ liệu này sang tháng thứ 6 liên tiếp. Cùng với đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE cũng giảm về mức 34.080 tấn, mức thấp kỷ lục từng ghi nhận kể từ năm 2016.
Tồn kho cà phê nối tiếp đà giảm và tạo ra các mức thấp kỷ lục khiến thị trường lo lắng về khả năng đảm bảo nguồn cung trên thị trường, dù cho cà phê đang sẵn có tại Brazil.
Hơn nữa, việc đồng nội tệ của Brazil mạnh lên trong tuần qua, kéo theo tỷ giá USD/Brazil Real giảm gần 2%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống cũng phần nào hạn chế nhu cầu đẩy mạnh bán hàng của nông dân Brazil.
Trong tuần này, nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi vấn đề về nguồn cung tại các nước sản xuất chính như Brazil và Việt Nam. Đặc biệt, Tổng cục Thống kê Việt Nam sẽ công bố số liệu ước tính về tình hình xuất khẩu cà phê tháng 8 của Việt Nam trước dịp nghỉ lễ 2/9. Đây sẽ là thông tin quan trọng thể hiện tình hình nguồn cung cà phê của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Theo dự đoán, số liệu cà phê xuất khẩu trong tháng 08 của Việt Nam khó có được sự cải thiện đáng kể do tồn kho của nông dân đã cạn kiệt còn cà phê vụ mới phải 1 tháng nữa mới được thu hoạch.
Cùng chung xu hướng với các mặt hàng khác trong nhóm, giá dầu cọ thô ghi nhận mức tăng 2,35% so với tham chiếu trong bối cảnh các mặt hàng dầu thực vật tăng giá, bất chấp việc xuất khẩu giảm.
Các chuyên gia cho biết, thời tiết nóng và khô ở Mỹ có thể làm giảm năng suất đậu tương, từ đó khiến giá dầu đậu tăng vọt. Trong khi đó, Công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong 25 ngày đầu tháng 08 đạt 945.155 tấn, giảm 4,3% so với mức 987.414 tấn cùng kỳ tháng trước.