Giá đường cao nhất 12 năm: Hé lộ lý do
Giá đường vẫn tiếp tục đi lên, cà phê diễn biến trái chiều Giá đường tăng cao trước lo ngại sản lượng thấp tại châu Á |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/9, sắc xanh tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Giá đường cao nhất trong 12 năm trong khi 2 mặt hàng cà phê trở lại xu hướng trái chiều.
Giá đường 11 ghi nhận mức tăng 1,22% trong phiên hôm qua, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức 27,44 cents/pound. Đây chính là mức giá cao nhất trong 12 năm của mặt hàng này. Lo ngại sản lượng đường giảm sâu tại Ấn Độ và Thái Lan tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá.
Hiện tượng thời tiết El Nino tiếp tục khiến thời tiết khô hơn bình thường tại khu vực sản xuất mía đường, nguyên liệu chính cho hoạt động sản xuất đường tại Ấn Độ và Thái Lan. Điều này khiến sản lượng đường có thể sụt giảm, kết hợp với việc giá dầu ở mức cao đang kích thích các nhà máy ép mía ưu tiên lượng mía ép cho chiết xuất ethanol, khiến hoạt động sản xuất đường chậm lại.
Giá Arabica cũng tăng nhẹ 0,85% trong phiên hôm qua, đánh dấu phiên tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này và giá chạm mức cao nhất trong hơn 1 tháng. Thời tiết khô ráo và ấm hơn mức bình thường làm dấy lên lo ngại về việc sản lượng cà phê không được đảm bảo trong niên vụ tới tại Brazil.
Theo giới quan sát, lượng mưa dần ít hơn kết hợp với nhiệt độ tăng lên sẽ xuất hiện tại vùng trồng cà phê chính của Brazil trong thời gian tới. Điều này có thể dẫn đến thiếu hụt độ ẩm để cây cà phê có thể phát triển tốt nhất, từ đó ảnh hưởng không tốt đến mùa vụ 2024/25.
Ảnh minh họa |
Ở chiều ngược lại, giá Robusta quay đầu giảm hơn 1% khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục tại Uganda, quốc gia xuất khẩu mặt hàng này lớn thứ 3 thế giới, theo dự báo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Theo Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA), vào tháng 8, quốc gia này đã xuất khẩu 743.517 bao 60 kg, cao hơn 48,2% so với khối lượng vận chuyển trong cùng tháng năm 2022. Đây cũng là khối lượng cà phê xuất khẩu trong 1 tháng cao nhất của Uganda.
Giá dầu cọ thô đã giảm phiên thứ 2 liên tiếp, trong bối cảnh xuất khẩu từ Malaysia ở mức thấp.
Theo công ty khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services (ITS), Malaysia đã xuất khẩu 580.893 tấn sản phẩm dầu cọ trong 15 ngày đầu tháng 09, giảm 11,8% so với mức 658.475 tấn cùng kỳ tháng trước. Trong đó, dầu cọ thô chiếm 141.403 tấn, dầu cọ tinh chế chiếm 24.830 tấn, còn lại là các sản phẩm từ dầu cọ khác.
Giá bông ghi nhận mức tăng 0,6% so với tham chiếu. Lo ngại về mùa vụ bông tại Mỹ kết hợp cùng giá dầu ở mức cao đã hỗ trợ giá tăng phiên thứ 2 liên tiếp.
Trong báo cáo mùa vụ ngày 19/9, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, chỉ có 29% bông tại Mỹ đạt điều kiện tốt và tuyệt vời, giảm 4% so với mức 33% trong tuần trước.
Hơn nữa, giá dầu thô đang ở mức cao, cũng khiến Polyester, chất thay thế chính của bông tự nhiên chưa thể hạ nhiệt. Điều này đã kéo theo giá bông tiếp tục tăng.