Giá đồng và quặng sắt phục hồi trước tin đồn Trung Quốc kích thích kinh tế
Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều giảm giá. Trong đó, giá bạc giảm mạnh nhất nhóm khi giảm 1,25%, chốt phiên tại mức 23,21 USD/ounce. Giá vàng đóng cửa tại mức 1.972,59 USD/ounce sau khi để mất 0,43%. Giá bạch kim gần như đi ngang khi chỉ suy yếu nhẹ 0,01%, chốt phiên tại mức 905 USD/ounce.
Ảnh minh họa |
Sau mức tăng mạnh vào phiên cuối tuần trước, giá kim loại quý suy yếu trở lại trong phiên đầu tuần do lực bán chốt lời của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của kim loại quý đã bị lu mờ trước đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong phiên giao dịch hôm qua, đã có lúc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt 5%. Đây là lần đầu tiên mức lợi suất này vượt qua mốc 5% kể từ năm 2007.
Trong khi đó, kim loại quý là tài sản không mang lãi suất. Do vậy, việc lợi suất trái phiếu Mỹ liên tục leo thang đã làm giảm sức hấp dẫn của bạc và bạch kim, gây sức ép lên giá.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX và giá quặng sắt đều phục hồi trong sắc xanh. Cụ thể, giá đồng COMEX tăng 0,66% lên mức 3,58 USD/pound, trong khi giá quặng sắt tăng lên 112,77 USD/tấn sau khi tăng 0,18%.
Trong phiên giao dịch hôm qua, cả giá đồng và giá quặng sắt đều được hỗ trợ trước tin đồn Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, chuẩn bị tung ra biện pháp kích thích kinh tế mới.
Cụ thể, các nguồn tin chia sẻ với Reuters rằng, nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban thường vụ Quốc hội Nhân dân Toàn quốc (NPC), sẽ phê duyệt việc phát hành thêm khoản nợ trị giá hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 137 tỷ USD) vào ngày 24/10.
Ngoài ra, theo một nguồn tin nhà nước, Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ thông qua trong tuần này một dự luật cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 của họ.
Những động thái phát hành thêm nợ chính phủ bổ sung của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang thúc đẩy chi tiêu cơ sở hạ tầng và khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể kích thích nhu cầu sử dụng các mặt hàng kim loại được sử dụng chủ yếu trong xây dựng như đồng hay sắt thép, hỗ trợ cho giá.
Tuy vậy, giá quặng sắt chỉ nhận được mức tăng khiêm tốn do nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc vẫn còn yếu.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel, trong tuần 13 – 19/10, tỷ lệ sử dụng công suất lò cao trong số 247 nhà sản xuất thép Trung Quốc được khảo sát bởi Mysteel đã giảm tuần thứ ba liên tiếp xuống còn 90,62%.
Hơn nữa, nhiều nhà máy thép ở Trung Quốc đã tạm dừng các lò nung để bảo trì trong những tuần gần đây, do biên lợi nhuận không được đảm bảo.