Giá đồng và quặng sắt bật tăng nhờ Trung Quốc kích thích kinh tế
Kết thúc ngày giao dịch 24/10, thị trường kim loại ghi nhận diễn biến phân hóa giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Đối với nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều kết phiên trong sắc đỏ. Trong đó, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 1,45%, xuống mức 891,9 USD/ounce. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của giá bạch kim trong gần 2 tuần. Giá bạc để mất 0,4%, đóng cửa tại mức 23,11 USD/ounce. Giá vàng có mức giảm nhẹ nhất nhóm khi giảm 0,13%, chốt phiên tại 1.970,11 USD/ounce.
Ảnh minh họa |
Giá bạc và bạch kim đồng loạt gặp sức ép do vai trò trú ẩn bị suy yếu, khi căng thẳng khu vực Trung Đông tạm thời hạ nhiệt đã xoa dịu tâm lý thị trường. Bên cạnh đó, đồng USD phục hồi cũng là yếu tố làm gia tăng áp lực bán trên thị trường.
Đồng USD được thúc đẩy bởi dữ liệu kinh tế tích cực tại Mỹ. Cụ thể, theo dữ liệu sơ bộ của S&P Global, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ trong tháng 10 đạt mức 50 điểm, quay trở lại ngưỡng mở rộng sau khi đạt 49,8 điểm trong tháng 9. Con số này cũng cao hơn mức 49,5 điểm theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Ngoài ra, S&P Global cho biết nhu cầu tiêu thụ mặc dù vẫn đang ở mức yếu, tuy nhiên tốc độ giảm ghi nhận chậm nhất kể từ tháng 4/2023. Về phía nguồn cung, các doanh nghiệp sản xuất với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2023.
Dữ liệu trên cho thấy sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ổn định bất chấp môi trường lãi suất cao. Điều này đã củng cố cho đà tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index chốt phiên tăng 0,7% lên 106,27 điểm, chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp. Trong khi đó, kim loại quý là tài sản được định giá bằng USD. Do vậy, đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên giá bạc và bạch kim trong phiên hôm qua.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, cả giá đồng và quặng sắt đồng loạt phục hồi trong sắc xanh. Giá đồng COMEX chốt phiên tại mức 3,62 USD/pound sau khi tăng 1,05%. Trong khi đó, giá quặng sắt bật tăng 2,95% lên 116,1 USD/tấn.
Lực mua đồng và quặng sắt đều được củng cố nhờ vào việc Trung Quốc tiếp tục ban hành các biện pháp vực dậy nền kinh tế. Quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm với các kích thích kinh tế của Trung Quốc, do đó, giá quặng sắt ghi nhận mức tăng lớn hơn so với giá đồng.
Cụ thể, vào hôm qua, Chính phủ Trung Quốc đã thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2023 lên khoảng 3,8% tổng sản phẩm quốc nội. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức 3% mà Chính phủ thường coi là giới hạn cho quốc gia. Kế hoạch bao gồm việc phát hành thêm khoản nợ Chính phủ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ trong quý IV/2023 để hỗ trợ xây dựng và cứu trợ thiên tai.
Hơn nữa, cơ quan quốc hội hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, đã phê chuẩn dự luật cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024.