Giá đậu tương sẽ tiếp tục giảm do triển vọng khả quan của Brazil
Với diện tích canh tác và thu hoạch không thay đổi, trong khi năng suất có sự cải thiện nhẹ 0,3 giạ/mẫu nhờ thời tiết thuận lợi cho hoạt động thu hoạch thời gian gần đây, sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ dự kiến sẽ đạt 4,129 tỷ giạ, tăng nhẹ so với mức 4,104 tỷ giạ được đưa ra trong báo cáo tháng 10. Tuy triển vọng sản lượng tăng, nhưng USDA vẫn duy trì dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ ở mức 1,755 tỷ giạ, nhiều khả năng là do sự cạnh tranh đến từ Nam Mỹ bất chấp tình hình thời tiết bất lợi ở khu vực này.
Đối với nguồn cung từ Nam Mỹ, sự thay đổi đáng chú ý nhất là của Brazil, khi USDA duy trì dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của quốc gia Nam Mỹ này ở mức kỷ lục 163 triệu tấn, dù hạn hán đã hoành hành trong thời gian đầu của hoạt động trồng đậu tương và đe dọa làm giảm sản lượng. Về mặt xuất khẩu, USDA khá lạc quan khi dự báo Brazil sẽ xuất khẩu 97,5 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 23/24, tăng 0,5 triệu tấn so với báo cáo tháng trước và cao hơn mức 95,5 triệu tấn ước tính trong niên vụ 22/23, trong bối cảnh nhu cầu hạt có dầu toàn cầu đang tăng cao.
Ảnh minh họa |
Dựa trên những yếu tố này, chúng tôi nhận định rằng giá đậu tương sẽ chịu áp lực suy yếu tương đối mạnh trong phần còn lại của phiên hôm nay, cũng như thời gian tới.
Đà giảm của ngô có khả năng sẽ khó duy trì sau báo cáo
Năng suất ngô Mỹ niên vụ 23/24 chính là yếu tố đã gây bất ngờ cho thị trường khi báo cáo Cung – cầu tháng 11 được công bố. Mặc dù được kỳ vọng sẽ chỉ tăng nhẹ so với mức 173,0 giạ/mẫu nhưng số liệu thực tế mà USDA vừa đưa ra cao hơn phần lớn các mức dự đoán của giới phân tích. Năng suất ngô Mỹ ước tính đạt 174,9 giạ/mẫu, quay trở lại gần sát với mức ước tính trước khi USDA hạ điều chỉnh trong 2 báo cáo Cung – cầu trước đó. Diễn biến này cũng tương tự như báo cáo tháng 11 năm ngoái, khi mùa vụ ngô Mỹ hồi phục trở lại trong giai đoạn phát triển cuối cùng. Mức điều chỉnh này cũng xoá đi những lo ngại của thị trường về mùa vụ ngô thất bại của Mỹ vài tháng trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.
Tuy nhiên, Hàng hoá 247 cho rằng mức giảm mạnh trong phiên hôm nay sẽ chỉ là tác động ngắn hạn do yếu tố bất ngờ về số liệu nhưng điều này không phản ánh sự thay đổi cung cầu dài hạn. Thực tế, mức điều chỉnh này nếu so sánh với lịch sử cùng kì thì không phải là điều đáng ngạc nhiên. Khi yếu tố tâm lí dần lắng xuống thì lực bán sẽ dần suy yếu.
Lực bán sẽ duy trì trên thị trường lúa mì
Tồn kho lúa mì của Mỹ tăng lên so với báo cáo tháng trước, trái ngược với dự đoán thắt chặt hơn của thị trường. Khối lượng lúa mì cho thực phẩm trong nước ở mức thấp nhất trong quý III kể từ năm 2014, cùng với nhập khẩu gia tăng là nguyên nhân lý giải cho mức điều chỉnh trên. Đây cũng là yếu tố chính tạo sức ép tới giá khi báo cáo phát hành.
Với nguồn cung thế giới, số liệu tồn kho lúa mì niên vụ 23/24 cũng ghi nhận những thay đổi về xu hướng cung cầu tương tự. Mặc dù sản lượng lúa mì thế giới sụt giảm 1,5 triệu tấn xuống còn 782,0 triệu tấn do mùa vụ tại các nước như Ấn Độ, Argentina, Kazakhstan. Tuy nhiên, ước tính tồn kho đầu vụ cao hơn và sự bù đắp từ mức tăng 5 triệu tấn trong dự báo sản lượng lúa mì Nga đã khiến cho nguồn cung lúa mì không còn là yếu tố "bullish" với giá.
Với các số liệu tại Mỹ và thế giới đều có cùng tác động với giá, chúng tôi cho rằng giá lúa mì có khả năng sẽ duy trì đà giảm trong vài phiên tới.