Giá dầu tăng gần 6% do lo ngại xung đột Israel - Hamas leo thang
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần ngày 13/10, giá dầu nhận được lực mua tích cực khi các nhà đầu tư lo ngại rằng xung đột Israel - Hamas có thể tiếp tục lan rộng, gây gián đoạn nguồn cung dầu ở Trung Đông. Giá dầu WTI tăng 5,77% lên 87,69 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 5,69% lên 90,89 USD/thùng.
Ảnh minh họa |
Bộ binh Israel đã thực hiện các cuộc tấn công đầu tiên vào Gaza nhằm tiêu diệt tận gốc nhóm phiến quân Hamas, sau vụ tàn sát đẫm máu của lực lượng Palestine ở miền nam Israel một tuần trước. Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, nhấn mạnh đây mới chỉ là khởi đầu của chiến dịch đáp trả.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran, Hossein Amirabdollahian, cảnh báo rằng phiến quân Hezbollah có thể mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến chống lại Israel nếu việc phong tỏa Gaza và các cuộc tấn công dân thường tiếp tục diễn ra. Phó Tổng thư ký Hezbollah, Sheikh Naim Qasem, cho biết Hezbollah đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cho bất kỳ hành động nào.
Đà tăng mạnh của giá dầu tiếp tục đến từ tâm lý thị trường hơn là yếu tố cung cầu, do Israel không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn. Tuy nhiên, nguy cơ chiến tranh lan rộng sang các nhà sản xuất năng lượng lớn ở Trung Đông sẽ là mối đe dọa lớn đối với dòng chảy dầu.
Mỹ có thể thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với dầu của Iran nếu có bằng chứng cho thấy nước này có liên quan đến cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel. Và Iran có thể trả đũa bằng cách phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường huyết mạch quan trọng vận chuyển 1/5 nguồn cung dầu toàn cầu.
Ngoài ra, theo hai nguồn tin trong ngành cho biết, Saudi Arabia đang tạm ngừng các kế hoạch trong một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel, vốn có thể khiến quốc gia này tăng sản lượng dầu. Điều này có thể làm gia tăng áp lực thâm hụt trên thị trường dầu, vốn đã trong trạng thái thắt chặt.
Về phía nguồn cung từ Nga, theo các nguồn tin trong ngành và ước tính của Reuters cho thấy, công suất lọc dầu sơ cấp ngoại tuyến của Nga dự kiến sẽ giảm 22% trong tháng 10 so với tháng 9 xuống còn 4 triệu tấn và dự kiến sẽ chỉ đạt mức 1,722 triệu tấn trong tháng 11. Sự suy giảm công suất lọc dầu ngoại tuyến đồng nghĩa với việc nhu cầu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu nội địa phục hồi, hạn chế xuất khẩu.
Xuất khẩu sản phẩm dầu bằng đường biển của Nga đã giảm 2,5% trong tháng 9 so với tháng 8 xuống 9,456 triệu tấn do các nhà máy lọc dầu bảo trì theo mùa và chính phủ ra lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu vào cuối tháng.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với hành vi vi phạm mức trần giá dầu 60 USD/thùng của Nga mà G7 đưa ra gần 1 năm trước. Cụ thể, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Lumber Marine SA có trụ sở tại UAE, chủ sở hữu của SCF Primorye và Ice Pearl Navigation Corp, chủ sở hữu của Yasa Golden Bosphorus. Điều này làm gia tăng lo ngại nguồn cung từ quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới có thể bị sụt giảm.