Giá dầu WTI đảo chiều giảm cuối phiên khi tồn kho dầu Mỹ tăng cao
Giá dầu có thể điều chỉnh giảm khi tâm lý thị trường ổn định trở lại Giá dầu giảm do triển vọng nguồn cung tích cực lấn át rủi ro chính trị Giá dầu thế giới chiều ngày 12/10 phục hồi, tăng trở lại |
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) tăng dự báo nhu cầu dầu năm 2023 trong báo cáo mới nhất. Tuy nhiên, giá bất ngờ đảo chiều giảm trở lại trong phiên tối do báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho và sản lượng của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước.
Kết thúc phiên, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 0,69% xuống 82,91 USD/thùng. Dầu Brent thu hẹp mức tăng, chốt phiên với mức giá 86 USD/thùng, chỉ tăng 0,21% so với phiên trước đó.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, IEA đã điều chỉnh tăng ước tính tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày so với báo cáo trước đó, lên mức 2,3 triệu thùng/ngày. Về phía nguồn cung, tăng trưởng nguồn cung toàn cầu trong 2023 được IEA giữ nguyên với mức dự báo tăng 1,5 triệu thùng/ngày. Điều này đã hỗ trợ cho giá dầu ngay khi báo cáo được phát hành.
Tuy nhiên, trong báo cáo tháng 10, tăng trưởng nhu cầu trong 2024 được IEA điều chỉnh giảm xuống 880.000 thùng/ngày từ mức ước tính 1 triệu thùng/ngày trước đó, phản ánh triển vọng nhu cầu yếu hơn về dài hạn.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giữ nguyên ước tính tăng trưởng dầu năm nay so với báo cáo trước, đạt mức trung bình 102,06 triệu thùng/ngày. OPEC vẫn kỳ vọng các nước không thuộc OECD sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm Trung Quốc, và Ấn Độ, và Mỹ sau loạt dữ liệu vĩ mô tích cực trong năm. Tổ chức này cũng điều chỉnh tăng ước tính tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay thêm 0,1 điểm phần trăm lên mức 2,8%.
Mặc dù vậy, mọi mức tăng của giá dầu trong phần lớn phiên giao dịch đã bị phá vỡ vào phiên tối, ngay sau khi EIA cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng mạnh, cùng với sản lượng khai thác tăng lên mức kỷ lục.
Cụ thể, dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ (không bao gồm dự trữ chiến lược) tăng 10,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 6/10, cao hơn rất nhiều so với dự báo chỉ tăng 500.000 thùng, nâng tồn kho lên mức 424,2 triệu thùng.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 300.000 thùng/ngày so với tuần trước đó, lên mức kỷ lục mới 13,2 triệu thùng/ngày, vượt qua mốc cao nhất thiết lập vào đầu năm 2020. Sự bổ sung nguồn cung mạnh mẽ từ phía Mỹ góp phần làm xoa dịu mối lo thiếu hụt nguồn cung mà nhóm OPEC gây ra. Điều này đã thúc đẩy lực bán quay trở lại, kéo giá dầu WTI giảm mạnh, trong khi dầu Brent thu hẹp mức tăng trước đó.
Ngoài ra, sản lượng dầu thô của nhóm OPEC trong tháng 9 đạt trung bình 27,78 triệu thùng/ngày, tăng 273.000 thùng/ngày so với 1 tháng trước. Sản lượng của Saudi Arabia tiếp tục duy trì ở mức gần 9 triệu thùng/ngày, phù hợp với tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện. Tuy nhiên, động lực tăng chính của nhóm đến từ Nigeria với mức tăng trưởng 141.000 thùng/ngày, góp phần gia tăng sản lượng của toàn nhóm.
Một yếu tố khác cũng gây sức ép cho giá dầu trong ngày hôm qua, đó là việc xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu của Nga đã tăng 460.000 thùng/ngày trong tháng 9 so với tháng trước, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây và cam kết cắt giảm sản lượng, theo báo cáo của IEA.