Giá dầu giảm do kỳ vọng nguồn cung bổ sung từ Venezuela
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần ngày 16/10, giá dầu giảm do kỳ vọng Mỹ và Venezuela có thể sớm đạt được thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Venezuela. Ngoài ra, các thương nhân cho rằng xung đột Israel – Hamas tạm thời không đe dọa đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn, cũng góp phần gia tăng áp lực bán đối với giá dầu.
Cụ thể, giá dầu WTI chấm dứt chuỗi tăng 2 phiên liên tiếp khi giảm 1,17% xuống 86,66 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 1,36% xuống 89,65 USD/thùng.
Theo tờ Washington Post đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro dự kiến sẽ công bố một thỏa thuận vào ngày 17/10. Mục đích thoả thuận nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Caracas, với điều kiện nước này tổ chức cuộc bầu cử tổng thống công bằng vào năm 2024.
Chính quyền Biden đang tìm cách tăng nguồn cung dầu đến thị trường thế giới nhằm hạ nhiệt giá dầu. Điều này xuất hiện trong bối cảnh các nước phương Tây đưa ra các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga do cuộc chiến tại Ukraine, bên cạnh quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Thị trường kỳ vọng động thái trên có thể xoa dịu một vài áp lực thâm hụt trên thị trường, gây sức ép lên giá dầu.
William Jackson, nhà kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi của Capital Economics, cho rằng thỏa thuận đạt được sẽ nâng sản lượng dầu từ mức thấp của Venezuela, nhưng sẽ đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ.
Ảnh minh họa |
Thêm vào đó, một số thương nhân và nhà phân tích cho biết các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang gặp khó khăn trong việc hòa vốn, do biên lợi nhuận từ xăng rơi xuống mức âm. Nhu cầu yếu theo mùa và các nhà quản lý quỹ rút khỏi vị thế mua ròng đối với hợp đồng tương lai dầu WTI trong tuần kết thúc vào ngày 10/10 đã góp phần thúc đẩy tình trạng bán tháo xăng, đè nặng lên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu.
Ngoài ra, xung đột giữa Israel và nhóm phiến quân Hồi giáo Palestine Hamas cho đến nay vẫn đang tập trung ở Gaza. Những nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột Israel - Hamas lan rộng đã làm giảm bớt lo ngại về địa chính trị và cải thiện tâm lý thị trường.
Mỹ và các đồng minh đang tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột. Tổng thống Biden cân nhắc việc đích thân đến thăm Israel, và Thủ tướng Đức Scholz dự kiến sẽ đến Israel vào ngày 17/10. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Mỹ Sullivan cho biết Mỹ đã cảnh báo Iran thông qua các cuộc đàm phán kênh sau về nguy cơ leo thang chiến tranh.