Giá chung cư liên tục ''nhảy múa'', cách nào ''dẹp loạn''?
Giá nhà chung cư "sốt" bất thường: Chuyên gia khuyên gì? Giá nhà trung tâm xa tầm với, khách trẻ "săn mồi" ở thị trường vệ tinh TP. Hồ Chí Minh |
Trước tình trạng giá nhà chung cư tăng đột biến thời gian qua, nhiều ý kiến đề nghị, cần thanh tra toàn diện các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở xã hội.
Hạ nhiệt song vẫn cao
Hiện nay, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hàng năm tiếp nhận số lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành phố chuyển đến sinh sống, làm việc, học tập, kéo theo sự gia tăng nhu cầu về nhà ở. Trước tốc độ tăng cao, giá nhà hiện đang là thách thức lớn đối với khả năng chi trả của người dân.
Trao đổi với Báo Công Thương, anh Nguyễn Văn Nam (quê Thanh Hoá, hiện sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, anh làm nghề kinh doanh tạp hoá, vợ đi làm cho một công ty. Tổng thu nhập hai vợ chồng được khoảng 25 triệu đồng/tháng. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng vợ chồng anh chỉ tiết kiệm được từ 5-7 triệu đồng. Bình quân một năm gia đình anh để dành được khoảng 80 triệu đồng.
“Hiện tại, trung bình một căn 70-80 m2 nội đô giá cũng phải 3-4 tỷ tuỳ khu vực. Với mức tăng chung cư từ 30-40% trong vòng 2 năm trở lại đây, những người thu nhập thấp như vợ chồng tôi không biết đến bao giờ mới có nhà để ở. Cứ chờ giá hạ thì giá lại càng tăng” - anh Nam bày tỏ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hoan (quê Hà Nam, hiện sống tại Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: “Mình làm giáo viên, chồng làm tại một cơ quan Nhà nước, lương hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống thì “giấc mơ” mua nhà ở Hà Nội của chúng tôi có lẽ còn rất xa”.
Chị Hoan mong nhà nước có các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa để những người lao động thu nhập thấp như chị có chỗ “an cư lập nghiệp".
Giá nhà vẫn 'neo' ở mức cao là thách thức lớn đối với khả năng chi trả của người dân, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp |
Kênh Batdongsan.com.vn ước tính thu nhập bình quân của người lao động Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm. Trong khi giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội đạt 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự; 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với chung cư.
Như vậy, để sở hữu một căn nhà mặt phố tại Hà Nội, người dân cần “tằn tiện” 169 năm, muốn sở hữu nhà riêng thì cần 132 năm, còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm (với giả thiết người lao động dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà).
Theo khảo sát của kênh này, mặt bằng giá chung cư ở Hà Nội năm 2024 trong đầu tháng 4 vẫn tiếp tục tăng cao so với thời điểm đầu năm. So với tháng 2/2024, thị trường căn hộ chung cư Hà Nội trong tháng 4 tiếp tục tăng từ 100 - 300 triệu đồng/căn tại hầu hết các dự án. Mức tăng mạnh nhất trong 2 tháng qua thuộc về các dự án khu vực nội đô trung tâm Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình… mức tăng đạt trung bình 200 - 300 triệu đồng/căn. Một số quận cận kề vùng ven hoặc huyện thuộc vùng ven như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, mức tăng thấp hơn, đạt trung bình 100 - 200 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2024, thanh khoản của thị trường căn hộ chung cư đang có dấu hiệu chậm lại. Tại một số dự án, số lượng giao dịch phát sinh trong tháng 4 đến hiện tại đã giảm mạnh.
Mặc dù, giá chung cư ở Hà Nội năm 2024 sau thời gian liên tục "lập đỉnh" đã có dấu hiệu chững lại, cùng với đó, lượng giao dịch cũng không còn sôi động như trong quý I/2024. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định giá chung cư ở Hà Nội vẫn sẽ khó giảm sâu vì nhu cầu nhà ở vẫn cao hơn nguồn cung.
Xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư
Chỉ ra nguyên nhân của giá nhà chung cư cao "đột biến" trong thời gian qua, các chuyên gia bất động sản lý giải, một phần do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối, phần nữa do tình trạng "lách luật" để đầu tư.
Chia sẻ tại phiên thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024, sáng 13/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra; doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: "Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối. Giá đất nền có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, thậm chí tăng giá cao cục bộ do đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân, người lao động".
Theo ông Vũ Hồng Thanh, xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy như người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ).
Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.
"Người nghèo đang phải trả nhiều hơn cho nhu cầu về nhà ở, khiến gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.
Trong khi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phân khúc này giải ngân rất chậm. Đến nay mới có một nửa địa phương công bố 71 dự án tham gia chương trình này. Các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho 15 dự án, với số tiền cam kết khoảng 7.000 tỷ đồng. 12 dự án được giải ngân, khoảng 956 tỷ. Số này gồm 947 tỷ cho chủ đầu tư của 8 dự án và 9 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án.
Việt Nam đặt mục tiêu có 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030. Tuy nhiên, vào cuối tháng 3, các địa phương phát triển nhà ở xã hội không đều. Chẳng hạn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh số lượng căn hộ chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Nhiều nơi không có dự án được khởi công 3 năm qua, như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi.
"TP Hồ Chí Minh dự kiến hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội vào 2025, song đến nay số dự án thực hiện được rất ít" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ ra.
Trước thực trạng trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, đồng thời đánh giá và có giải pháp ổn định tình hình.
"Có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.
Tại họp báo Bộ Xây dựng trước đó, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, cho biết Bộ Xây dựng đã kiểm tra tình hình thị trường khi phát hiện giá rao bán chung cư cao bất thường so với xu hướng chung của thị trường. Bộ Xây dựng cũng cho biết qua kiểm tra phát hiện các dự án có giá rao bán cao nhưng giao dịch thực sự rất ít, thậm chí không có giao dịch. |