Giá cà phê khởi sắc khi xuất khẩu tháng 9 bất ngờ giảm tại Brazil
Theo đó, giá cà phê Arabica tăng 0,14% so với tham chiếu. Xuất khẩu cà phê bất ngờ giảm trong tháng 9 tại Brazil, kết hợp cùng sự mạnh lên của đồng Real đã gây áp lực lên giá.
Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), Brazil đã xuất đi 3,02 triệu bao cà phê xanh loại 60 kg, thấp hơn mức 3,16 triệu bao trong cùng kỳ năm trước cũng như mức 3,47 triệu bao trong tháng 8. Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica giảm mạnh khoảng 20% xuống còn 2,4 triệu bao, do giá cà phê Arabica giảm đã cản trở xuất khẩu.
Giá cà phê khởi sắc khi xuất khẩu tháng 9 bất ngờ giảm tại Brazil |
Đồng thời, đồng Real của Brazil mạnh lên đã kéo theo tỷ giá USD/Brazil tiếp tục giảm thêm 0,07% trong phiên hôm qua. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp dần đã phần nào hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Ở chiều ngược lại, giá Robusta hợp đồng tháng 1 quay lại đà suy yếu với mức giảm 0,45% trong phiên hôm qua. Mặc dù xuất khẩu Arabica giảm sâu nhưng xuất khẩu Robusta tại thị trường Brazil vẫn ở mức cao.
Theo CECAFE, xuất khẩu cà phê Robusta tháng 9 tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Brazil đã xuất khẩu khoảng 625.000 bao cà phê Robusta, tăng hơn 4 lần so với khối lượng xuất khẩu năm 2022.
Giá hai mặt hàng đường cùng giảm mạnh. Cụ thể, giá đường 11 giảm 2,40% và giá đường trắng mất 1,45% so với mức tham chiếu. Giá dầu giảm sâu hỗ trợ việc gia tăng nguồn cung đường tại Brazil, trong khi Ấn Độ quyết định hạn chế thay vì cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24.
Theo đó, giá dầu thô giảm gần 3% trong phiên hôm qua đã thúc đẩy các nhà máy ép mía tại thị trường Brazil tiếp tục ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường thay vì chiết xuất ethanol. Điều này giúp nguồn cung đường có thêm cơ hội gia tăng trong thời gian tới.
Trước đó, trong báo cáo sản lượng đường nửa cuối tháng 9, Tập đoàn công nghiệp UNICA cho biết, các nhà máy đã phân bổ 51,1% diện tích mía để sản xuất đường so với 45,3% một năm trước, do chất làm ngọt vẫn mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với ethanol.
Trong khi đó, đài truyền hình ET Now đưa tin, chính phủ Ấn Độ đã quyết định hạn ngạch xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24. Điều này được coi là tích cực hơn mong đợi khi thị trường luôn lo ngại quốc gia này sẽ cấm xuất khẩu đường để đảm bảo cung nội địa.
Với mức giảm 0,47% trong phiên hôm qua, giá bông ghi nhận phiên suy yếu thứ 3 liên tiếp trong tuần này. Lo ngại nhu cầu bông Mỹ của Trung Quốc suy yếu đã gây áp lực lên giá, trong bối cảnh thị trường cùng chờ đợi dữ liệu từ báo cáo WASDE tháng này.
Giới phân quan sát cho biết, Trung Quốc đang tăng dần lượng bông nhập khẩu từ các quốc gia như Brazil và Úc. Điều này gây lo ngại về khả năng xuất khẩu bông Mỹ sang thị trường nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới, trong bối cảnh thương mại căng thẳng.
Giá dầu cọ ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ, với mức giảm nhẹ 0,39%. Mặc dù khởi sắc trong đầu phiên nhờ lực mua kỹ thuật của các nhà đầu tư, nhưng giá nhanh chóng suy yếu trong phần còn lại của phiên trước áp lực của các yếu tố cơ bản.
Việc tồn kho dầu cọ cuối tháng 09 của Malaysia đạt mức cao nhất trong vòng 11 tháng vẫn duy trì tác động “bearish” lên giá. Bên cạnh đó, các thương nhân cho biết rằng hoạt động bán dầu hướng dương được đẩy mạnh ở khu vực Biển Đen đã giúp giá loại dầu này chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá dầu cọ thô trên thị trường quốc tế.