Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu nào tác động tiêu cực tới thị trường?
Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu nào ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường? Giá vàng tuần tới ra sao? Tỷ giá USD chiều nay 27/10/2023: Giá đô hôm nay, USD chợ đen, USD VCB quay đầu giảm nhẹ |
Sắc đỏ bao trùm thị trường
Chứng khoán tuần qua, mặc dù có phiên giao dịch phục hồi tốt cuối tuần với đa số mã phục hồi tốt sau khi giảm mạnh, nhưng VN-Index vẫn giảm mạnh 4,26% so với tuần trước về mức 1.060,62 điểm. HNX-Index có diễn biến tương tự kết thúc tuần ở mức 218,04 điểm giảm 4,56% so với tuần trước.
Thị trường chứng khoán, trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 70.404,20 tỷ đồng, giảm 10,3% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 5,7%, trong đó áp lực bán mạnh đột biến tập trung nhiều ở các mã trong VN30. Thanh khoản HNX giảm 10,5% với 9.183,29 tỷ đồng được giao dịch.
Xét theo mức độ đóng góp, VHM, MSN và SAB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VHM đã lấy đi hơn 2.6 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, BID, GAS và HPG là những mã có tác động tích cực nhất. Tính riêng BID đã bù lại gần 1.9 điểm cho chỉ số.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, bất động sản là tâm điểm của thị trường trong tuần khi có những biến động rất mạnh, tiêu cực với nhóm vốn hóa lớn và đa số các mã khác như VHM (-11,91%), LGL (-10,31%),NBB (-8,84%), NDN (-8,65%), CII (-7,08%)... trong khi một số mã vẫn có diễn biến phục hồi tốt, kết thúc tuần tăng điểm nhờ phiên tăng giá hết biên độ cuối tuần như CEO (+1,5%), DXG (+3,88%), DIG (+3,93%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán sau tuần giảm điểm mạnh trước đó, tiếp tục có tuần giao dịch kém tích cực, đa số vẫn giảm điểm mạnh, thanh khoản gia tăng ở mức trên trung bình như MBS (-10,63%), AGR (-10,27%), FTS (-10,17%), PSI (-10,11), VIX (-9,33%)... ngoài BSI (+0,39%) phục hồi tốt, tăng điểm.
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh nhưng phân hóa và tích cực hơn so với thị trường chung khi có những mã tăng giá so với tuần trước với LPB (+5,15%), SSB (+4,50%), BID (+3,70%), VCB (+0,24%).... ngoài đa số chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh như NVB (-11,50%), PGB (-9,43%), VPB (-6,48%), MSB (-5,38%).
Các nhóm ngành khác hầu hết đều có diễn biến kém tích cực trong tuần với áp lực bán mạnh và chỉ phục hồi tốt khi thị trường vào vùng quá bán ngắn hạn, ngoại trừ một số mã rất nổi bật, thanh khoản đột biến như YEG (+21,57%), CTD (+7,45%), HAG (+7,36%), LPB (+5,15%)...
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và bán ròng trở lại với giá trị 1.289,77 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng đột biến ở MWG, VIC, nhóm ngân hàng; mua ròng trên HNX với giá trị 74,56 tỷ đồng.
Chứng khoán tuần qua: Cổ phiếu nào tác động tiêu cực tới thị trường? |
Chính sách tuần qua
Trong tuần thị trường đón nhận nhiều thông tin như: Khai mạc kỳ họp 6, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng cho biết "Chính phủ nỗ lực phấn đấu, đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao (6,5%). Lạm phát khoảng 3,5-4%".
Trong ngày 24/10, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị bổ sung ngân hàng vào nhóm dịch vụ được giảm 2% VAT. Dự thảo trên nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng chung của Quốc hội trước đó.
Thủ tướng ký Công điện về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tín dụng cho bất động sản.
Hội đồng quản trị của VIC công bố Nghị quyết phê duyệt điều khoản Trái phiếu chào bán quốc tế trị giá $250 triệu USD, có quyền chọn nhận cổ phiếu Vinhomes do Vingroup sở hữu.
Trên thế giới, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Cho vay Thế chấp Mỹ MBA, lãi suất vay thế chấp đang cao khiến cho nhu cầu vay vốn sụt giảm. Theo dữ liệu hồi tháng 9 cho thấy, lãi suất cho vay thế chấp tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ T9/2000 và số đơn đăng ký vay theo hình thức này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995.