Tiếp tục thúc tiến độ các dự án nhà máy điện LNG
Ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp tục chủ trì cuộc họp với các tỉnh, thành phố có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023.
Mục tiêu của cuộc họp nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án nhà máy điện sử dụng LNG, cũng như tìm kiếm các giải pháp để vượt qua các khó khăn trong quá trình đầu tư và xây dựng những dự án quan trọng này.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với đại diện các tỉnh có dự án điện LNG |
Tại cuộc họp, ông Thái Thanh Phong – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai – cho biết: Ngay sau buổi họp với Bộ Công Thương ngày 24/6, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 để tập trung đôn đốc tiến độ, tháo gỡ vướng mắc nhất là về mặt bằng, hạ tầng, thủ tục hành chính… để tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai.
Theo ông Phong, hiện hai nhà máy hiện nay đang được triển khai thực hiện đúng tiến độ, dự kiến phát điện thương mại các tổ máy số 1 vào năm 2024 và năm 2025. Tuy nhiên, dự án còn gặp một số khó khăn vướng mắc liên quan đến mua - bán khí LNG nhập khẩu, các quy định về giá khí, xử lý lưu kho… khiến triển khai ký kết hợp đồng khó khăn. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa có ý kiến thống nhất với chủ đầu tư về giá mua - bán điện.
Về phía địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện, đang triển khai hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng có cái khó chưa phù hợp quy hoạch chung. Đồng Nai đã có chỉ đạo để xem xét điều chỉnh bổ sung quy hoạch, tích hợp quy hoạch của tỉnh để chủ đầu tư triển khai đường dây, đấu nối.
“UBND tỉnh Đồng Nai sẽ theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư đảm bảo việc thực hiện đúng tiến độ”, ông Phong khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh – cũng cho biết, từ ngày 24/6 đến nay, dự án LNG Hiệp Phước giai đoạn I đang tập trung vào việc thi công và hoàn thành các công đoạn, trong đó có đàm phán các hợp đồng, thoả thuận liên quan... Hiện tại, bồn chứa khí LNG đã được hoàn thành và các nội dung khác cũng đang được khẩn trương thực hiện.
UBND TP Hồ Chí Minh đã có cuộc làm việc với chủ đầu tư của dự án và cam kết tiếp tục duy trì các cuộc làm việc thường xuyên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tổng hợp kiến nghị gửi Bộ Công Thương để xem xét liên quan khung giá điện khí LNG.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc khẳng định cam kết của TP Hồ Chí Minh để tiếp tục làm việc chặt chẽ với chủ đầu tư và đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ.
Tương tự, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận Võ Văn Hoà cũng cho biết từ 24/6 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã khẩn trương thực hiện các thủ tục để triển khai các dự án điện khí trong quy hoạch. Ngày 4/8, các nhà đầu tư điện khí cũng đã ra mắt. Hai dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II đã được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BOT).
Tuy nhiên dự án cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc trong khâu mặt bằng, hệ thống đường dây truyền tải và hệ thống đường ống dẫn khí. Nhà đầu tư điện khí cũng đang chưa thống nhất được sản lượng mua khí LNG và giá bán điện với EVN. Ông Hoà cho biết, UBND tỉnh Bình Thuận đang tìm biện pháp tháo gỡ. Dự kiến cuối 2027, đầu 2028 sẽ phát điện tổ máy đầu tiên.
Ông Lê Tấn Cận – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – cho hay sau 24/6, Bạc Liêu đã mời ngay chủ đầu tư xúc tiến triển khai. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp cơ bản giải phóng mặt bằng đã xử lý xong. Nhà đầu tư lập xong hồ sơ FS, đang đàm phán hợp đồng PPA và các thoả thuận liên quan. Tuy vậy, dự án cũng gặp một số khó khăn về mặt bằng, truyền tải, đàm phán giá điện với EVN… Ông cảnh cho biết nếu những vướng mắc được tháo gỡ kịp thời sẽ vận hành tổ máy số 1 vào năm 2027, hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2029 đúng tiếng độ Quy hoạch điện VIII.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ văn Diện cho hay dự án Nhà máy điện LNG Quảng Ninh đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, đã trình FS, Cục Điện lực đã tổ chức họp thẩm định và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện FS.
Ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Công Thương |
Trong khi đó, ông Lại Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – cho biết: Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình thuộc danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện thuộc Quy hoạch điện VIII. Hiện dự án đã được cập nhật vào quy hoạch của tỉnh, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến phê duyệt trong tháng 8-9/2023.
Tỉnh Thái Bình cũng đã triển khai lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 (Đang lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Quy hoạch. Dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2023). Đồng thời với quá trình lập quy hoạch, triển khai lập đề xuất dự án đầu tư dự án. Hiện nay UBND tỉnh Thái Bình đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ triển khai Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng.
“Dự kiến kế hoạch tiến độ các công việc trong thời gian tới cấp quyết định chủ trương đầu tư đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trường hợp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư) vào tháng 12/2023 và khởi công xây dựng vào năm 2025”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Tăng hệ luỵ nếu chậm tiến độ
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá việc phát triển nguồn điện chạy nền của nước ta trong thời gian tới sẽ hết sức khó khăn, thách thức. Nhất là trong bối cảnh nhiệt điện than không được phát triển thêm, thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển các nguồn lớn có khả năng điều tần. Do đó, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo chạy nền có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch dần sang năng lượng sạch hơn ở Việt Nam.
Để đảm bảo triển khai thực hiện các dự án điện LNG đúng tiến độ theo quy hoạch được duyệt, Bộ trưởng Nguyên Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính...
Đại diện các tỉnh có dự án điện LNG thông tin về tình hình triển khai và tháo gỡ vướng mắc các dự án nhà máy điện LNG |
UBND các tỉnh, thành phố có dự án điện LNG phải chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành dự án. Bên cạnh đó yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án theo đúng tiến độ, chất lượng và các yêu cầu trong chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, cần kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Bộ trưởng cũng yêu cầu khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết, đảm bảo lựa chọn chủ đầu tư có năng lực về tài chính và kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực nhiệt điện để thực hiện dự án nhiệt điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, sớm triển khai thực hiện đầu tư xây dựng Dự án.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của các địa phương về những vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, môi trường, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện... Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các tỉnh, thành phố định kỳ tháng báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn mình về Bộ Công Thương.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các địa phương, chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định và thực hiện đúng trách nhiệm của mình khi chủ đầu tư trình đủ hồ sơ dự án theo quy định.
“Các dự án nhà máy điện LNG là nguồn điện quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và các giai đoạn tiếp theo. Việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện chạy nền như nguồn nhiệt điện sử dụng LNG sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng tới an ninh cung cấp điện quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) xác định đến năm 2030 sẽ xây mới 13 nhà máy điện khí LNG có tổng công suất 22.400MW, đến năm 2035 có thêm 2 nhà máy với công suất 3.000MW. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hiện có 9 dự án tìm được chủ đầu tư, 4 dự án đang được UBND các tỉnh tiến hành lựa chọn chủ đầu tư. |