Doanh nhân Lê Hồng Minh: Từ game thủ đến startup tỷ USD, tài sản ngang vốn pháp định một ngân hàng
Startup EQUO huy động thành công 1,3 triệu USD Ông Phạm Nhật Vượng vẫn top 35 Forbes dù thứ hạng liên tục thay đổi |
Trên thị trường, cổ phiếu VNZ đang tiếp tục nắm giữ vị trí dẫn đầu về thị giá. Kết phiên 21/8, VNZ tăng thêm 4,25% giá trị lên 1.139.000 đồng/cp. So với 3 tháng trở lại đây, mã này đã tăng đến 50%, giúp tài sản của ông Lê Hồng Minh cán mốc 4.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Minh sinh năm 1977 tại Hà Nội, là cựu sinh viên ngành Tài chính ngân hàng của Đại học Monash – Australia. |
Công ty CP VNG (UPCoM: VNZ) vừa công bố thông tin về việc nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh đăng ký bán ra 983.783 cổ phiếu, tương ứng 3,82% vốn điều lệ, theo phương thức thỏa thuận/khớp lệnh.
Thương vụ giao dịch dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 22/8 và kết thúc vào ngày 31/8 tới. Hiện, ông Lê Hồng Minh đang sở hữu 3.525.837 cổ phiếu VNZ, tương đương 12,27% số cổ phiếu lưu hành. Như vậy nếu đợt giao dịch hoàn tất, ông Minh sẽ còn lại khoảng 2,5 triệu cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 8,85%.
Trên thị trường, cổ phiếu VNZ đang tiếp tục nắm giữ vị trí dẫn đầu về thị giá. Kết phiên 21/8, VNZ tăng thêm 4,25% giá trị lên 1.139.000 đồng/cp. So với 3 tháng trở lại đây, mã này đã tăng đến 50%. Ước tính theo giá trị trên sàn, ông Lê Hồng Minh sẽ thu về khoảng 1.100 tỷ đồng, nếu cổ phiếu bán ra được hấp thụ hết.
Cũng theo mức giá này, tài sản của ông Minh trên sàn đã vừa cán mốc 4.000 tỷ đồng.
Diễn biến liên quan, trong tháng 8 này, VNG Limited - công ty mẹ của VNZ đã thoái bớt 3,4 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 49%, tương đương 14 triệu cổ phiếu. Ngược lại, Công ty CP Công nghệ BIGV - một cổ đông lớn khác đã mua vào hơn 1,7 triệu cổ phiếu VNZ, nâng tỷ lệ sở hữu lên 17,84%.
Từ game thủ đến sếp doanh nghiệp tỷ USD
Ông Lê Hồng Minh sinh năm 1977 tại Hà Nội, là cựu sinh viên ngành Tài chính ngân hàng của Đại học Monash – Australia. Năm 2001, ông trở về Việt Nam gây dựng sự nghiệp riêng của mình, hành trình từ game thủ đến Tổng Giám đốc VNG của ông chính thức bắt đầu.
Theo tìm hiểu, VNG được phát triển từ một quán game sáng lập bởi ông Lê Hồng Minh và một người bạn vào tháng 9/2004. Ban đầu, ông Minh và cộng sự đặt tên công ty là Vinagame, sau đó đổi thành Công ty CP VNG từ năm 2009.
Ngành nghề kinh doanh chính của VNG là kinh doanh trò chơi điện tử, nổi tiếng với việc phát hành các trò chơi điện tử nhập vai “hot” trên thị trường Việt Nam và là nhà phát triển của các dịch vụ mang thương hiệu Zingme và Zalo. Bên cạnh đó, VNG còn sản xuất phần mềm, lập trình, kinh doanh bất động sản, dịch vụ viễn thông…
Ông Lê Hồng Minh là một trong những cổ đông lớn nhất, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNG từ năm 2004. Tuy nhiên, ông đã nhường lại ghế Chủ tịch HĐQT cho ông Võ Sỹ Nhân từ đầu năm 2023.
Sau gần 20 năm phát triển, VNG sở hữu cho mình một số cổ đông ngoại quốc như Tenacious Bulldog Holdings Limited, GS Treasure Sarl, Tencent Holdings Limited…
Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD, trở thành “kỳ lân công nghệ” đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek - Singapore định giá ở mức 2,2 tỷ. Năm 2021, Công ty quản lý quỹ Mirae Asset “mạnh tay” mua cổ phần VNG với giá 1,7 triệu đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, VNG dã có dấu hiệu hồi phục ở quý II/2023 sau khi báo lỗ 6 quý liên tiếp. Kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần của VNG đạt 2.245 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán gần như không biến động nên lợi nhuận gộp tăng lên 26%, đạt 1.099 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng “vọt” gấp gần 12 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 83 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, VNG đạt 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, “tiến bộ vượt bậc” so với cùng kỳ năm 2022 là âm 379 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh, VNG cho biết nhờ sự thành công của các sản phẩm trò chơi mới cũng như các chi phí quảng cáo được tiết giảm đáng kể.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của VNG đạt 4.098 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 44% chỉ tiêu doanh thu (9.281 tỷ đồng). Lỗ sau thuế ở mức 40 tỷ đồng, giảm đáng kể khi lỗ cùng kỳ lên tới 509 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VNG là 9.569 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm đầu năm. Về nguồn vốn, VNG có 5.066 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giảm nhẹ 1% so với thời điểm đầu năm. Nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đều tăng mạnh lần lượt 179% và 219%, đạt 3.284 tỷ đồng và 1.218 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong quý II/2023, VNG đầu tư tổng cộng gần 2.000 tỷ đồng vào 8 công ty, trong đó có 6 công ty ngoại quốc, 2 công ty Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ duy nhất khoản đầu tư vào Dayone là có lãi với hơn 4 tỷ đồng, còn lại các công ty khác đều thua lỗ.
Cuối tháng 6/2023, VNG đã liên tục rót vốn vào Công ty CP Zion với nền tảng thanh toán trung gian là Zalopay, giá trị đầu tư lên tới 2.964 tỷ đồng. Tuy nhiên, SSI Research nhấn mạnh rằng việc tiếp tục đầu tư vào ZaloPay có thể dẫn đến kết quả không tích cực cho VNG.
Theo phân tích của SSI, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các dịch vụ ví điện tử cạnh tranh khác như MoMo, VNPay, QRPay… và các ứng dụng do ngân hàng cung cấp. Do vậy, VNG cần cân nhắc bởi trong bối cảnh lãi suất tăng cao, việc huy động vốn để mở rộng mảng ví điện tử chưa chắc đã khả thi nhất.