Chứng khoán tuần qua 11/3 - 15/3/2024: VN-Index tiếp tục giao dịch đầy biến động
Chứng khoán tuần qua
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, chứng khoán tuần qua 11/3 - 15/3/2024, VN-Index tiếp tục có tuần giao dịch biến động mạnh với chiều hướng tích cực hơn tuần trước.
Phiên đầu tuần thị trường chứng khoán, VN-Index điều chỉnh về vùng giá quanh 1.235 điểm, tương ứng đường giá trung bình MA20 phiên và phục hồi tốt trong 02 phiên tiếp theo, vượt lên lại vùng giá đỉnh cao nhất năm 2023. Trong 02 phiên cuối tuần VN-Index lại chịu áp lực điều chỉnh khi gặp vùng kháng cự mạnh 1.280 điểm, tiếp tục rung lắc rất mạnh trong phiên kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.255 điểm.
Kết thúc tuần VN-Index tăng 1,32% so với tuần trước lên mức 1.263,78 điểm, duy trì xu hướng tích cực trên vùng giá cao nhất năm 2023 tương ứng 1.245 điểm - 1.255 điểm. HNX-Index kết tuần ở mức 239,54 điểm tăng 1,36% so với tuần trước.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 126.155,54 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,6% so với tuần trước, duy trì vượt mức trung bình với khối lượng giao dịch trung bình của VN-Index hơn 900 triệu cổ phiếu/phiên.
Diễn biến cho thấy dòng tiền vẫn đang duy trì tốt trong thị trường, luân chuyển xoay vòng trong các nhóm ngành, mặc dù áp lực bán ngắn hạn vẫn gia tăng mạnh ở nhiều mã/nhóm mã.
Trong tuần vẫn có rất nhiều mã/nhóm mã tăng giá mạnh, nổi bật là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su, nhiều mã tẳng giá mạnh, thanh khoản đột biến như GVR (+19,31%), DPR (+19,06%), SIP (+11,34%), VGC (+10,52%), SNZ (+9,94%), PHR (+9,07%).
Các cổ phiếu bất động sản mặc dù phân hóa rất mạnh và là nhóm có diễn biến kém tích cực so với thị trường chung từ đầu năm đến nay, nhiều mã cũng có thanh khoản đột biến, tăng giá mạnh trong tuần như VRC (+16,01%), NHA (+12,95%), NTL (+9,10%), HDC (+8,99%), CSC (+8,39%).
Các cổ phiếu ngân hàng có diễn biến kém tích cực hơn, ảnh hưởng mạnh đến biến động liên tục của chỉ số trong tuần, đa số giảm điểm, thanh khoản dưới mức trung bình với PGB (-3,45%), LPB (-3,22%), NAB (-2,66%), SHB (-2,56%)... ngoài các mã khá tích cực như VIB (+4,41%), SGB (+2,21%), BID (+2,15%).
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và bán ròng khá đột biến với giá trị lên đến 2.600,66 tỷ đồng trên HOSE; bán ròng trên HNX với giá trị 88,15 tỷ đồng.
chứng khoán tuần qua, VN-Index giao dịch đầy biến động. |
Chính sách tuần qua
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như, ngày 14/3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Hội nghị có sự tham dự của các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch, Tổng giám đốc ngân hàng thương mại, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề và các đại biểu.
Sau hơn 04 tháng, ngày 11/03/2024 Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu trở lại. Ngân hàng Nhà nước đã phát hành gần 15.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày với 6/18 thành viên tham gia trúng thầu, lãi suất 1,4%/năm. Động thái của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng trong những tuần gần đây và thanh khoản hệ thống có phần dồi dào trở lại khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Việc Ngân hàng Nhà nước mở lại hoạt động chào thầu tín phiếu có nét tương đồng so với hồi trung tuần tháng 9/2023 khi tỷ giá USD/VND chịu nhiều áp lực và lãi suất VND liên ngân hàng không có chiều hướng hỗ trợ.
Thị trường đón nhận thông tin ngày 11/3/2024 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư Pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp trực tuyến về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới được ban hành. Cùng tham dự là lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) và lãnh đạo các ngân hàng.
Về diễn biến thị trường thế giới, Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, CPI tháng 2/2024 đã tăng 0,4% so với tháng 1/2024 và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn nguyên nhân là do giá xăng và chi phí nhà ở tăng cao. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. CPI lõi, loại bỏ thực phẩm và năng lượng dễ biến động, cũng tăng 0,4% trong tháng 2 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Báo cáo CPI tháng 2 có thể khiến các quan chức FED trì hoãn quyết định giảm lãi suất trong kỳ họp sắp đến ngày 21/3/2024.