Doanh nghiệp tuần qua: Novaland chuẩn bị tiến hành cuộc họp quan trọng nhất 2024
Novaland chuẩn bị họp ĐHĐCĐ 2024
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) đặt mục tiêu mang về 32.587 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD) doanh thu và 1.079 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 585% và 122% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm tới đây, công ty vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và bàn giao tại các dự án trọng điểm như The Grand Manhattan tại quận 1, Aqua City tại Đồng Nai, Nova World Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm tại Vũng Tàu...
Novaland chuẩn bị tiến hành cuộc họp quan trọng nhất trong năm |
Ngoài ra, Novaland dự trình cổ đông kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) cho năm 2024. Đối tượng phát hành sẽ là các thành viên HĐQT cũng như các cán bộ chủ chốt. Số lượng sẽ không vượt quá 1,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành. Giá phát hành không dưới 10.000 đồng/cp.
Hiện nhóm cổ đông liên quan cũng như gia đình ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT công ty đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo của Novaland. Vì vậy, đây cũng sẽ là một phương án để nhóm cổ đông của ông Bùi Thành Nhơn gia tăng sở hữu khi liên tục thoái vốn trong vòng một năm rưỡi qua và chỉ còn nắm giữ dưới 40% vốn.
Vingroup rót thêm vốn cho Xanh SM
Trong tuần qua, Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) đã công bố nghị quyết phê duyệt kế hoạch góp thêm vốn vào Công ty CP Di chuyển xanh và Thông minh GSM trong năm 2024.
Theo đó, Vingroup sẽ góp thêm vốn vào GSM với tỷ lệ không vượt quá 5% vốn điều lệ doanh nghiệp tại từng thời điểm góp vốn. HĐQT giao cho Tổng Giám đốc quyết định việc góp vốn trong phạm vi nêu trên và thực hiện công tác liên quan đến việc góp vốn trong năm 2024.
Tại thời điểm thành lập cách đây hơn 1 năm, GSM có vốn điều lệ lên tới 3.000 tỷ đồng. Xét về cơ cấu cổ đông, ông Phạm Nhật Vượng đóng góp 2.850 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 95%.
Ngoài ra, bà Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng đóng góp 90 tỷ đồng, sở hữu 3%, và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - một công ty liên quan đến ông Vượng - đóng góp 60 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 2%.
Chưa đầy 1 năm sau khi thành lập, GSM đã trải qua hai lần tăng vốn "khủng". Vào ngày 27/12/2023, doanh nghiệp này lần đầu tư nâng vốn điều lệ lên 6.199 tỷ đồng, tăng gấp hơn hai lần so với vốn ban đầu. Gần một tháng sau đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp tiếp tục tăng thêm 1,6 lần, đạt 9.666 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm thành lập, quy mô vốn điều lệ của GSM đã mở rộng lên 3,2 lần.
Với quyết định trên, ước tính Vingroup sẽ góp thêm vốn vào công ty GSM với giá trị không quá 483 tỷ. Hiện ông Phan Thành Long là Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện pháp luật của GSM.
Tính từ thời điểm thành lập tới tháng 3 năm nay, GSM đã có hơn 40 triệu lượt hành khách, với hơn 200 triệu km di chuyển. Hãng dịch vụ vận tải này cũng đang là đối tác quan trọng của VinFast - một thành viên khác trong hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Được biết, trong năm 2023, VinFast đã bàn giao 25.096 ô tô điện và 33.335 xe máy điện cho GSM, lần lượt chiếm 72% và 46% trên tổng doanh số ô tô điện và xe máy điện của hãng xe điện này.
CEO Group tổ chức bất thành ĐHĐCĐ
Trong sáng ngày 5/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Tuy nhiên, tại Đại hội, tổng số cổ phần mà các cổ đông đại diện tham dự chỉ chiếm 33,98% tỷ lệ vốn điều lệ.
Do đó, Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 của CEO Group đã không thể tổ chức do không đạt điều kiện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ công ty. Đáng chú ý, đây đã là năm thứ hai liên tiếp mà công ty này không thể tổ chức được Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Trong năm 2024, CEO Group đề ra kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất đạt 2.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 150 tỷ đồng, tăng lần lượt 46% và 26% so với năm 2023. Công ty cũng dự kiến trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 5-10%.
Bên cạnh đó, công ty sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm như Sonasea Vân Đồn Harbor City, Sonasea Residences và CEO Homes Hana Garden.
Đồng thời, công ty sẽ tập trung vào việc hoàn thiện thủ tục cho các dự án khác để sẵn sàng thi công và kinh doanh khi điều kiện thuận lợi; đẩy mạnh phát triển tư liệu sản xuất, đặc biệt là ưu tiên phát triển các dự án khu đô thị có công năng hỗn hợp và dự án bất động sản công nghiệp.
Lợi nhuận của DIC Corp “bốc hơi” 33% sau kiểm toán
Theo Báo cáo Tài chính sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HOSE:DIG) giảm 33% tương đương giảm 54 tỷ đồng so với báo cáo tự lập xuống còn 112 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động liên doanh, liên kết chuyển từ lãi 39 tỷ đồng sang lỗ 18 tỷ đồng.
Tại cuối năm 2023, tập đoàn có 3 công ty liên kết tỷ lệ sở hữu từ 36% đến 43% gồm CTCP Xây dựng DIC Holdings, CTCP Bất động sản D.I.C, CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng Bê tông và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Phương Nam.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên DIC Corp có sự chênh lệch giữa BCTC tự lập và BCTC kiểm toán. Đơn cử vào năm 2022, lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán Công ty cũng chênh lệch tăng 47 tỷ đồng và 2021 tăng 38 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Về kế hoạch kinh doanh 2024, DIC Corp dự kiến trình kế hoạch doanh thu tăng 72% lên 2.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gấp 6 lần lên 1.010 tỷ đồng. DIC Corp dự phóng chi phí vốn đầu tư năm nay 7.212 tỷ đồng, rót vào loạt dự án như dự án khu trung tâm Chí Linh, Chung cư A5 – khu trung tâm Chí Linh, khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu, khu phức hợp Cap Saint Jacques, khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước…
Để huy động vốn đầu tư, Công ty đề ra phương án tăng vốn từ 6.098 tỷ đồng lên 10.120 tỷ đồng thông qua phát hành 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, 30,5 triệu trả cổ tức và thưởng cổ phiếu, 30 triệu cổ phiếu ESOP, 150 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ. Cụ thể, doanh nghiệp dự kiến bán cho cổ đông hiện hữu và ESOP giá 15.000 đồng/cp và chào bán riêng lẻ tối thiểu 20.000 đồng/cp. Tổng số tiền huy động vào khoảng 6.450 tỷ đồng.