Doanh nghiệp mong chờ giải pháp đột phá cho nhà ở xã hội
Giao dịch đất nền, chung cư và nhà ở bật tăng trong quý I/2024 Giá chung cư liên tục ''nhảy múa'', cách nào ''dẹp loạn''? Khách hàng gian lận hồ sơ mua nhà ở xã hội 19T1 Kiến Hưng? |
Điều kiện lỗi thời, cản bước người mua
Những năm gần đây, các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Quảng Ninh luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, tương ứng với điều này là dòng chảy lao động nhập cư phát triển rất nhanh. Do nhu cầu cấp thiết về chỗ ở, trong hoàn cảnh thu nhập có hạn, hầu hết những lao động nhập cư hiện phải sống trong các khu nhà trọ tự phát được xây dựng tạm bợ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Tuy nhiên, có một thực tế, hiện nay, không chỉ khâu điều chỉnh quy hoạch, khâu xác định giá bán cũng đang là trở ngại lớn đối với các chủ đầu tư khi triển khai dự án nhà ở xã hội.
Theo Luật Nhà ở, chủ đầu tư dựa trên tổng chi phí để trình Sở Xây dựng một mức giá bán cam kết đảm bảo lợi nhuận không quá 10%, sau đó mới được kiểm toán. Tuy nhiên, theo Thông tư 09 của Bộ Xây dựng thì khi doanh nghiệp công bố giá bán phải được Sở Xây dựng phê duyệt trước. Nghĩa là chủ đầu tư phải thực hiện các thủ tục, hồ sơ liên quan đến giá đầu vào, định mức mới được công bố giá bán.
Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng. Ảnh: VietnamBiz |
Đơn cử, tại dự án nhà ở xã hội EhomeS tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, dù đã hoàn thiện và nghiệm thu được 6 tháng, nhưng 300 căn hộ ở đây vẫn bỏ trống, với lý do phải chờ các cơ quan chức năng phê duyệt các thủ tục xác định giá bán.
Do các bước thủ tục đầu tư dự án phức tạp, kéo dài dẫn đến trong thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh mới chỉ hoàn thành được 16.000 căn nhà ở xã hội. Con số này chỉ mới đạt 1/3 tổng số lượng căn theo kế hoạch thành phố đặt ra đến năm 2025 là 35.000 căn. Như vậy, 2 năm tới thành phố phải triển khai gần 20.000 căn còn lại, đây thực sự là một thách thức không nhỏ, nếu như không muốn nói là bất khả thi. Thực tế này đòi hỏi cần phải có những chính sách, những cơ chế đột phá mới có thể hoàn thành.
Tại Quảng Ninh, nhà ở xã hội khu dân cư đồi Ngân hàng thuộc địa phận 2 phường Hồng Hải và Cao Thắng, là dự án duy nhất dành cho người có thu nhập thấp đang được mở bán. Dự án có tổng mức đầu tư 1.361 tỷ đồng từ nguồn góp vốn của 2 doanh nghiệp được đấu thầu, lựa chọn theo quy định của pháp luật; đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng gần 4.000 người.
Mặc dù tiến độ đảm bảo nhưng đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 319 cá nhân, hộ gia đình được xác nhận đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, trong đó có 194 cá nhân, hộ gia đình đã ký hợp đồng. Những rào cản trong việc xác minh đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội khiến cho cả cá nhân, hộ gia đình và chủ đầu tư gặp khó khăn.
Chính sách đã có, vẫn khó… an cư!
Là một trong những người đầu tiên được ký hợp đồng mua nhà ở xã hội tại dự án Nhà ở xã hội khu dân cư đồi Ngân hàng, chị Nguyễn Thanh, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long chia sẻ: “Còn quá nhiều khó khăn khiến lao động thu nhập thấp như chúng tôi không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội".
Theo chị Thanh nêu, trong quá trình thực hiện, nhiều vướng mắc phát sinh về thủ tục hành chính do chưa có biểu mẫu, quy định, hướng dẫn về hồ sơ chi tiết, khiến nhiều lao động có nhu cầu song không thể tiếp cận được.
"Hầu hết người dân đều gặp vướng mắc trong việc xác minh thuế thu nhập. Trong đó, tất cả các thành viên trong gia đình từ 18 tuổi trở lên không nộp thuế thu nhập thường xuyên trong 9 năm liên tục mới đủ điều kiện”, chị Thanh cho biết.
Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc Hội đã thông qua Luật Sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất Động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng để các luật này có hiệu lực sớm hơn, thi hành từ ngày 01/8/2024. Theo đó, Luật Nhà ở 2023 được áp dụng với nhiều điểm mới sẽ mang đến những thay đổi tích cực, tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án, tạo điều kiện để người dân dễ dàng sở hữu nhà ở tại các dự án.
Theo đó, Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung thêm các đối tượng mua nhà ở xã hội gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã ở trong khu công nghiệp; thân nhân liệt sĩ; công chức, viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ, người làm công tác cơ yếu, công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước; học sinh các trường chuyên biệt.
Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành chỉ quy định điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập, bãi bỏ điều kiện về cư trú. Đối với điều kiện về thu nhập, Luật không nêu rõ cụ thể là bao nhiêu mà giao cho Chính phủ quy định điều kiện về thu nhập đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc quy định đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.
Điều 85 Luật Nhà ở 2023 cũng quy định chủ đầu tư dự án đầu tư nhà ở xã hội không phải bằng vốn ngân sách Nhà nước được hưởng các ưu đãi như: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế…
Chính phủ đã xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023, cũng như Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ ban hành các quyết định triển khai Luật và Nghị định để các đối tượng dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội.