Đổ xô mua thang dây, mặt nạ, dụng cụ phòng cháy: Chuyên gia lưu ý gì?
Nhiều người dân (đặc biệt những người ở chung cư) đang có chung tâm lý bất an, lo lắng sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình (Thanh Xuân, TP Hà Nội). Để đảm bảo an toàn trong trường hợp có sự cố hỏa hoạn, các cư dân đang lùng tìm mua các dụng cụ phòng cháy, thoát hiểm như thang dây, bình cứu hoá, kéo cắt lưới sắt...
Một cư dân đang sống tại một chung cư tại Hà Nội cho biết vừa cùng người thân đi tìm mua một số dụng cụ phòng cháy chữa cháy như bình cứu hoả, thang dây, găng tay chịu nhiệt... để phòng trường hợp bất trắc. Trong
Theo cư dân này, việc mua các dụng cụ này không khó. Một số cửa hàng chuyên cung cấp các thiết bị phòng cháy chữa cháy ở đường Lê Duẩn, Đê La Thành hay các trang web mua sắm trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki... đều bán rất nhiều. Tuy nhiên, giá các hàng hoá này đang tăng đáng kể, nhiều loại bị "cháy hàng", như thang dây phải đặt cọc chờ vài ngày mới có.
Thiết bị PCCC được rao bán nhiều trên mạng xã hội sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội |
Khảo sát thị trường chiều 14/9, thang dây thoát hiểm có nhiều loại, giá giao động từ 75.000 - 85.000 đồng/m.
Dây cứu sinh được bán theo kg, với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Dây cứu sinh ngoại nhập có giá cao hơn, khoảng 35.000 đồng/m.
Bình chữa cháy có kích thước từ 1 - 5 kg có giá từ 120.000 - 500.000 đồng/bình. Giá cả có thể thay đổi dựa trên loại và dung tích của bình.
Mặt nạ phòng độc có giá từ 100.000 - 1,6 triệu đồng/chiếc. Giống như bình chữa cháy, giá cả có thể thay đổi dựa trên loại mặt nạ và chức năng bảo vệ.
Theo các chuyên gia về thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC), việc người dân chủ động mua các thiết bị phòng cháy, thang dây, mặt nạ… là rất cần thiết. Tuy nhiên, người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi mua thiết bị PCCC đảm bảo chất lượng và chính hãng.
Cụ thể, người dân cần tìm hiểu đơn vị bán dụng cụ phòng cháy chữa cháy uy tín, có mọi chế độ bảo hành, cấp giấy tờ kiểm định chất lượng cũng như có đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng và lắp đặt các thiết bị PCCC.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra kỹ về bề mặt và hạn sử dụng có ghi rõ trên bao bì. Khi mua về nhà cũng nên kiểm tra thường xuyên. Thông thường, với các loại bình chữa cháy, vòi chữa cháy, máy bơm… thì 6 tháng sửa chữa một lần và hệ thống báo cháy thì kiểm tra các đầu báo, đèn báo, trung tâm báo cháy, nút ấn.
Ngoài ra, mỗi người dân cần thực hiện đúng các tiêu chuẩn an toàn đề ra (bố trí vật dụng ở đâu, khoảng cách thế nào, chọn mua chủng loại nào…). Kiểm tra xem sản phẩm có được chứng nhận bởi các tổ chức hoặc cơ quan kiểm định an toàn phù hợp không.
Đặc biệt, người dân cần nắm rõ các tính năng cụ thể của sản phẩm và xem xét xem chúng phù hợp với nhu cầu của bạn. Điều này có thể bao gồm loại bình chữa cháy, dung tích, thang dây thoát hiểm, hoặc bất kỳ thiết bị nào khác bạn đang xem xét.
"Nếu người dân không rõ về loại sản phẩm hoặc cách sử dụng, hãy tìm sự tư vấn từ chuyên gia về phòng cháy chữa cháy hoặc an toàn", chuyên gia cho biết.
Khoảng 11h50 phút ngày 12/9 đã xảy ra vụ cháy chung cư mini số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ. Ngôi nhà có diện tích khoảng 200m2 xây cao tầng, có khoảng 150 người sinh sống. Nhận được thông tin về vụ cháy, lãnh đạo thành phố, lực lượng phòng cháy, chữa cháy Bộ Công an, Trường Đại học Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố, Công an quận Thanh Xuân đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo chữa cháy, khẩn trương thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân. Đến 0h15 cùng ngày, đám cháy cơ bản được dập tắt, các lực lượng đã giải cứu hơn 100 người bị mắc kẹt. Tối 13/9, Công an Hà Nội thông tin có 56 nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn và 37 người bị thương. |