Định hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh trong thu hút đầu tư nước ngoài
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ghi nhận mức tăng kỷ lục 3 giải pháp tạo đột phá cho thu hút đầu tư nước ngoài Làm gì để giữ chân “đại bàng” đầu tư nước ngoài? |
Đây là chia sẻ từ các chuyên gia tại Hội thảo “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam: Thực trạng phát triển và hàm ý chính sách” do trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 19/4/2024.
Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Nguyễn Trúc Lê nêu rõ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là nguồn vốn quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Một dấu hiệu tích cực trong báo cáo đầu năm 2024 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) là đầu tư nước ngoài toàn cầu tăng 3% vào năm 2023 khi nỗi lo suy thoái giảm bớt.
Quang cảnh Hội thảo |
Tại Việt Nam, qua hơn 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, quan điểm chủ trương của nhà nước có nhiều thay đổi, song không thể phủ nhận tầm quan trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong bất cứ một thời kỳ phát triển nào của đất nước kể từ khi đổi mới.
“Sự gia tăng về vốn và số lượng dự án là rõ nét, song những chiều cạnh khác về thực trạng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặt trong mối liên hệ với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự giúp chúng ta có được bức tranh tổng thể về vai trò và những đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam”, ông Nguyễn Trúc Lê nói.
Đánh giá về chất lượng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương Đào Ngọc Tiến nhận xét, về kinh tế, khu vực FDI có những đóng góp nhất định nhưng chưa thể hiện được tác động rõ ràng về tính bền vững và hiệu quả hoạt động. Về xã hội, khu vực FDI chưa tác động rõ ràng và vượt trội so với các khu vực khác. Còn về môi trường, tiềm năng của khu vực FDI lớn nhưng quy mô còn hạn chế.
Ông Đào Ngọc Tiến đề xuất, việc thu hút FDI có chọn lọc là cần thiết đề nâng cao chất lượng khu vực FDI theo định hướng phát triển của nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, chất lượng FDI nên ưu tiên hướng đến phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng xanh. Cần tăng cường thực thi các tiêu chuẩn lao động đối với tất cả các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Ngoài ra, tiêu chí lựa chọn FDI nên hướng đến nhà đầu tư (MNCs) và lĩnh vực đầu tư (green FDI), từ đó thay đổi các thức xúc tiến đầu tư.
“Điều kiện cần cho thu hút FDI là thủ tục đầu tư thông thoáng, minh bạch và điều kiện đủ để thu hút FDI có chất lượng là chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng”, ông Tiến chia sẻ.
Đề cập đến một bài toán trong lĩnh vực thu hút FDI mà Việt Nam đang giải quyết là phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, nếu muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn thì phải đầu tư một cách có hệ thống và phải chia sẻ thiết bị, phòng thí nghiệm chuyên môn, chương trình ứng dụng, tài liệu, kỹ thuật thông qua hợp tác giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống tổ chức quản lý dự án chuyên nghiệp và hiệu quả thông qua hệ thống pháp luật nghiêm ngặt và hoạt động công khai minh bạch.
“Trên thực tế, chỉ với nguồn lực nội bộ và cơ chế hiện nay, Việt Nam không thể thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử, vì vậy cần nhanh chóng tìm đối tác chiến lược để đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo chuyên gia chất bán dẫn và vi mạch”, ông Hong Sun nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Á châu tại Việt Nam đề xuất một số giải pháp thu hút FDI và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó Việt Nam cần củng cố doanh nghiệp trong nước nhằm tạo ra mối liên hệ chặt chẽ với khu vực FDI, nhằm tận dụng cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; cải thiện phát triển cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và các ưu đãi đầu tư để thu hút FDI. Tiếp tục cải thiện hệ thống hậu cần, như tiếp cận các phương thức giao thông vận tải, tiếp cận với công nghệ viễn thông hiện đại và nguồn cung cấp điện ổn định... để hỗ trợ FDI.
“Chính sách thu hút FDI nên tập trung vào các ngành thuận lợi cho sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hùng nói.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý đã tập trung phân tích các điểm nghẽn hiện tại của việc thu hút và sử dụng dòng vốn FDI tại Việt Nam; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế, các nền kinh tế mới nổi, ASEAN khi giải quyết các điểm nghẽn trong khu vực FDI thế nào và định hướng quy hoạch cũng như giải pháp hợp tác chặt chẽ để cùng nhau xử lý trong tương lai sắp tới.