3 giải pháp tạo đột phá cho thu hút đầu tư nước ngoài
Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài Hà Nội: Khẳng định điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài |
2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 4,29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, đây là “con số chúng tôi không bao giờ nghĩ tới. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy, các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam”.
Đặc biệt, không chỉ vốn đăng ký tăng mạnh, vốn FDI giải ngân trong 2 tháng đầu năm cũng đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng thời điểm năm 2023. Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết qủa giải của các dự án đầu tư nước ngoài rất cao, khẳng định những cam kết của nhà đầu tư nước ngoài được hiện thực hóa.
Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân 2,8 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2024 Ảnh: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Quảng Ninh |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những kết quả thu hút FDI trong 2 tháng đầu năm 2023, ông Lê Hữu Quang Huy – Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên – Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) cho rằng, mặc dù thời gian qua thu hút FDI toàn cầu không ổn, nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên.
“Điều đó chứng tỏ, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư của cả khu vực và thế giới” – ông Lê Hữu Quang Huy khẳng định.
Cũng theo ông Huy, FDI đầu tư vào Việt Nam cũng xuất hiện xu thế mới, dòng vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây là những điểm tích cực với dòng vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua.
Tuy nhiên, những dấu hiệu trên cũng đặt ra cho Việt Nam những yêu cầu mới về vấn đề nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng để hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ các tập đoàn nước ngoài. Bên cạnh đó là vấn đề nguyên liệu cung ứng cho doanh nghiệp FDI như thế nào, làm sao để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nước ngoài với giá cả cạnh tranh thì bên cạnh nguồn nguyên liệu trong nước, cũng cần tính đến việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.
Chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam đang dần được cải thiện (Ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đồng thời là đồng thời là Chủ tịch Lâm thời Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp (FAIP) cho rằng: Dòng vốn FDI thời gian qua vẫn còn những tồn tại chưa được giải quyết triệt để.
Về những tồn tại của dòng vốn FDI, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 nêu rõ: Số lượng dự án FDI quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn; phân bố không đều; tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký còn thấp. Tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Liên kết, tương tác với các khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao; tỉ lệ nội địa hoá còn thấp. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng…
Từ thực trạng trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đưa ra 3 giải pháp đột phá nhằm thu hút nhiều hơn nữa các dự án đầu tư nước ngoài, bao gồm: Thứ nhất, tập trung cải thiện hạ tầng và đất đai. Bởi đây là những vấn đề rất được các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.
“Các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất lớn và yêu cầu hạ tầng cao. Do đó, thời gian tới chúng ta sẽ tập trung hoàn thiện các dự án kết nối hạ tầng. Đồng thời, triển khai ngay các văn bản hướng dẫn về Luật Đất đai”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu quan điểm.
Thứ hai, tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khẩn trương thực hiện Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực trong ngành bán dẫn.
Thứ ba, tập trung hoàn thiện công tác thể chế. Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vừa qua, Quốc hội cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính…
“Những cơ chế, chính sách mới được ban hành chắc chắc sẽ có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, luỹ kế đến thời điểm hiện tại, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 473,1 tỷ USD, tổng vốn thực hiện của các dự án FDI đạt gần 300 tỷ USD, bằng 63,4% tổng vốn đăng ký. |