Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ghi nhận mức tăng kỷ lục
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn “chảy” vào Việt Nam TS Nguyễn Minh Phong: Môi trường kinh tế Việt Nam vẫn là “miếng bánh ngọt” thu hút vốn đầu tư nước ngoài |
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/2/2024, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục diễn biến tích cực với việc đạt 4,29 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn giải ngân đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%.
Lĩnh vực chế biến chế tạo vẫn đi đầu về thu hút vốn FDI. Ảnh minh hoạ. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải, việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm 2024 tăng mạnh so với cùng kỳ là do tăng số lượng dự án mới (tăng 55,2%) và do có các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 400 triệu USD và hơn 600 triệu USD).
Vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận có 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân thu hút được. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Tiếp sau, là ngành hoạt động kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ, các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 125,2 triệu USD và gần 76,4 triệu USD.
Hiện các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào quốc gia lân cận để rút ngắn bớt chuỗi cung ứng cùng việc một số nước từ khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia giảm thuế hoặc hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh đó Việt Nam phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó có việc sớm ban hành các chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, bảo đảm niềm tin của nhà đầu tư, duy trì sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Đặc biệt Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.