Điều ít biết về startup Vzone Global của ông Lê Trung Hiếu
Sản phẩm, ứng dụng mới của startup Việt: Lên ngôi mùa dịch Doanh nhân Lê Hồng Minh: Từ game thủ đến startup tỷ USD, tài sản ngang vốn pháp định một ngân hàng Lửa thử vàng, gian nan thử… start-up |
Tham vọng của mạng xã hội Vdiarybook
Cuối tuần qua, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), lễ ra mắt và giới thiệu nền tảng công nghệ: Mạng xã hội Nhật ký cuộc sống - Vdiarybook được diễn ra hoành tráng với slogan: "Chia sẻ khoảnh khắc - Lưu giữ kỷ niệm đẹp". Ban tổ chức cũng giới thiệu đến công chúng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số cho các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp mang tên: Vzone Technology Make in Vietnam.
Đứng sau chương trình "phô trương" thanh thế đang gây tiếng vang lớn cho người dân Thủ đô là ông Lê Trung Hiếu, nhân vật được giới thiệu là Tổng giám đốc của Tập đoàn Công nghệ Vzone Global, chủ sở hữu của những nền tảng công nghệ nói trên.
Ông Lê Trung Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Vzone Global tại sự kiện ra mắt Vdiarybook sáng 10/12/2023. Ảnh: Nhadautu.vn |
Tại buổi ra mắt, ông Lê Trung Hiếu cho biết Vdiarybook (vdiarybook.vn) là mạng xã hội định danh người dùng, được tạo ra với sứ mệnh giúp cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội "tiếp cận mọi mặt cuộc sống trong môi trường thông tin sạch, chính thống, bảo mật an toàn, bổ ích và nhân văn".
"Với nền tảng và hệ sinh thái số này, mọi dữ liệu đều được bảo mật và lưu giữ trên máy chủ đặt tại Việt Nam. Đây là một tài nguyên số vô cùng quý giá để khai thác, sử dụng cho hiện tại và tương lai lâu dài của đất nước", đại diện Tập đoàn Công nghệ Vzone Global nói và khẳng định Vdiarybook là một cuốn bách khoa toàn thư sống.
Đặc biệt, mạng xã hội Vdiarybook còn tích hợp nhiều tính năng vượt trội, khác biệt với các mạng xã hội khác như: SOS, báo cháy, tìm thân nhân qua dòng lịch sử, tìm liệt sỹ; tìm kiếm thân nhân và cứu hộ, cứu nạn… Cùng các ứng dụng trên điện thoại - App (smart hospital, smart schools, smart move, smart check, smart idea startup…).
"Cha đẻ" của Vdiarybook tự hào chia sẻ với công chúng, rằng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia công nghệ và các cộng sự của Vzone Global đều thuộc thế hệ trẻ, đã cùng dành nhiều thời gian nghiên cứu, khảo sát thị trường trong và ngoài nước. Từ đó thiết kế, xây dựng những tính năng đặc biệt, khác biệt và vượt trội hơn so với mạng xã hội khác, nhằm đáp ứng nhu cầu và thỏa mãn mối quan tâm của người sử dụng.
Hấp dẫn bởi những lời quảng bá tráng lệ về Vzone Global và Vdiarybook, "Lê Trung Hiếu" đang là từ khóa thịnh hành trên không gian mạng. Những thông tin về vị doanh nhân trẻ mang trong mình khát vọng lớn lao đang được cư dân mạng lùng sục, săn tìm.
"Cơ trưởng" của Vzone Global
Doanh nhân Lê Trung Hiếu là mẫu người kín tiếng nên trên truyền thông đại chúng, không có nhiều dữ kiện về ông, cũng như về Vzone Global. Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, ông Lê Trung Hiếu sinh năm 1984, thường trú tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ông Lê Trung Hiếu trước đó là Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần PGA Partner.
Được biết, pháp nhân đăng ký sở hữu mạng xã hội Vdiarybook là Công ty Cổ phần Đầu tư Vzone Global (gọi tắt là Đầu tư Vzone Global) thành lập tháng 9/2020, tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Vốn sáng lập của Đầu tư Vzone Global là 89 tỷ đồng, được góp bởi 3 cá nhân gồm ông Lê Trung Hiếu (55,18 tỷ đồng, tương đương 62% vốn điều lệ), ông Hoàng Ngọc (SN 1983, 33% vốn điều lệ) và ông Vũ Quang Minh (SN 1988, 5% vốn còn lại). Doanh nghiệp đăng ký lĩnh vực hoạt động chính là xuất bản phần mềm (mã ngành 5820).
Đặc biệt, sang tháng 10/2021, Đầu tư Vzone Global đăng ký vốn điều lệ tăng lên 1.000 tỷ đồng, nhảy vọt so với mức vốn thành lập ban đầu. Cùng khung thời gian này, mạng xã hội Vdiarybook sớm manh nha hoàn thiện, sửa soạn những bước cuối cùng để chính thức đi vào đời sống.
Tháng 10/2021, Đầu tư Vzone Global đăng ký tăng vốn điều lệ từ 89 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng |
Đầu tư Vzone Global có thể xem là viên gạch đầu tiên trên hành trình chinh phục thị trường công nghệ đầy tiềm năng của ông Lê Trung Hiếu cùng các đồng sự. Đến tận tháng 3/2023, tức trước thời điểm nhóm doanh nhân cho ra mắt chính thức hệ sinh thái Vzone Global và mạng xã hội Vdiarybook vài tháng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ Vzone Global mới được thành lập.
Tập đoàn Công nghệ Vzone Global, có phần thiếu tương xứng với cái tên nổi bật và kêu như vậy, là quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp chỉ vẻn vẹn 9 tỷ đồng, quá khiêm tốn so với Đầu tư Vzone Global, chủ sở hữu mạng xã hội Vdiarybook.
Tập đoàn Công nghệ Vzone Global quy tụ 5 cổ đông chung tay lập nên, ngoài ông Lê Trung Hiếu, Tổng giám đốc sở hữu 80% cổ phần, là các ông, bà như: Nguyễn Thị Thúy (SN 1981, 5%), Nguyễn Thị Thủy (SN 1974, 5%), Nguyễn Kim Chính (SN 1982, 5%), Nguyễn Hữu Huân (SN 1975, 5%). Như vậy, hai nhà đồng sáng lập Đầu tư Vzone Global là ông Vũ Quang Minh và Hoàng Ngọc không xuất hiện trong doanh nghiệp này.
Ông Vũ Quang Minh được biết đến là người đứng tên cho Trung tâm siêu dữ liệu và Xác thực số, có địa chỉ tại Trung tâm Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc là người có thâm niên trên thương trường, ông hiện điều hành và quản trị Công ty Cổ phần Kết nối thanh toán toàn cầu, đơn vị đã cho ra đời sàn thương mại điện tử GCAECO vào năm 2018, có sứ mệnh kiến tạo "chợ online" nông sản, thực phẩm sạch cho người Việt.
Mặc dù được phát triển với các phiên bản trên máy tính và phần mềm ứng dụng của IOS và Android, sở hữu các tính năng tích hợp như tìm kiếm, đặt hàng, vận chuyển, thanh toán... từ ngày đầu khởi sự, song đến nay GCAECO vẫn còn khá xa lạ với người tiêu dùng, khác với kỳ vọng mạnh mẽ của ban lãnh đạo đã đặt ra.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Ngọc còn "chèo lái" Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ B3D, doanh nghiệp thành lập năm 2017 với số vốn 9,8 tỷ đồng. Trên mạng xã hội, có không ít hội, nhóm như "Cộng đồng người tiêu dùng B3D" liên tục đăng tuyển các cộng tác viên kinh doanh sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm của doanh nghiệp với những cam kết như: hoa hồng cao, thu nhập không giới hạn, không phải bỏ nhiều vốn... Website chính của họ là "b3d.vn" nhưng đến nay đã không còn truy cập được.
Những thông báo mời gọi cộng tác viên "sặc mùi" đa cấp fanpage liên quan Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ B3D |
Thêm một điểm đáng lưu ý, đó là Công ty Thương mại và Dịch vụ B3D đang thuộc nhóm doanh nghiệp "chây ì" nhất trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tính hết tháng 9/2023, doanh nghiệp của ông Hoàng Ngọc đang chậm nộp 23 tháng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền hơn 94 triệu đồng.
Cùng nhóm với thương hiệu "B3D", doanh nhân Hoàng Ngọc còn cho "chào đời" Công ty Cổ phần B3D Land, pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Được biết, ông Hoàng Ngọc là người dân tộc Nùng, đang sinh sống tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Thực hư Đầu tư Vzone Global sử dụng vốn ra sao?
Từ những tư liệu viện dẫn phía trên, phần nào độc giả đã hình dung ra năng lực và kinh nghiệm của những lãnh đạo Tập đoàn Công nghệ Vzone Global - startup công nghệ non trẻ nhưng đang khoác lên mình bộ cánh hào nhoáng, tráng lệ xa thực tế trong mắt công chúng.
Vẫn theo tài liệu của Báo Công Thương, Công ty Cổ phần Đầu tư Vzone Global, chủ sở hữu mạng xã hội Vdiarybook được giới thiệu vô cùng hoành tráng, đang có dấu hiệu đăng ký vốn điều lệ ảo, "phông bạt" với những người quan tâm. Nhìn lại pha tăng vốn kỳ tích tháng 10/2021, doanh nghiệp được "bơm" số vốn "khủng" từ 89 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, tạo nhiều sự chú ý của giới kinh doanh đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid vẫn hoành hành, gây vô vàn khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tăng vốn 1.000 tỷ đồng cũng giúp Đầu tư Vzone Global "tạo nét" trong mắt đối tác, thu hút sự dõi theo của những nhà đầu tư, dễ dàng tiếp cận các khách hàng tiềm năng hơn. Tuy nhiên, thực chất đăng ký của Đầu tư Vzone Global chỉ mang tính hình thức, "làm màu" và không có thật.
Hết năm 2021 và 2022, cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận số vốn điều lệ của Đầu tư Vzone Global chỉ đạt 89 tỷ đồng, không có chuyện được nâng lên 1.000 tỷ đồng như đã đăng ký trước đó. Doanh nghiệp này không phát sinh doanh thu từ khi thành lập (năm 2020 - 2022), mỗi năm lỗ 3 triệu đồng do phát sinh chi phí quản lý vận hành.
Tuy mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp có con đường khác nhau và bài báo này không hàm ý so sánh hay đánh giá thực chất sức khỏe hệ sinh thái nêu trên song câu chuyện các doanh nghiệp gây ồn ào từng để lại hệ luỵ thời gian qua cần được bạn đọc tham khảo.
Nhìn lại hồi giữa năm 2021, dư luận cũng chấn động về việc một startup đăng ký thành lập với số vốn 500.000 tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh, vượt xa Vingroup, Viettel... Trường hợp "nổ" quá đà được đề cập tới là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh.
Gây bão dư luận một thời gian ngắn, "siêu doanh nghiệp" có trụ sở tại một căn nhà cấp 4 này đã lập tức giải thể vào tháng 1/2022, sau khi Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Công an và Công an thành phố để xác minh, làm rõ sự việc bất thường này.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau 90 ngày, nếu doanh nghiệp không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, theo Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng về hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký.