Đẩy mạnh mạng lưới khu công nghiệp bền vững, hướng tới mô hình công nghiệp thông minh
Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng được chỉ ra tại Diễn đàn Thúc đẩy phát triển bền vững khu công nghiệp Việt Nam diễn ra hôm nay, ngày 28/3.
Vai trò của các khu công nghiệp
Theo đó, tính đến ngày 20/2/2024, cả nước có 418 khu công nghiệp đã thành lập. Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63,1 nghìn ha và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 26,1 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%.
Các khu công nghiệp đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: VGP |
Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, đã có 272 khu công nghiệp đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.
Các khu công nghiệp đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế đã góp phần quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”, ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư đảng ủy VCCI, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu đến cân bằng, xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, những con số còn góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (NetZero) vào năm 2050, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và nhiều chính sách quan trọng khác của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế như: sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu gắn kết; sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư quanh khu công nghiệp…
Vì vậy, rất cần các khuyến nghị về chính sách và hành động để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng, vận hành các khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Hướng tới phát triển mô hình công nghiệp đẳng cấp, chất lượng cao
Ngoài ra, nhằm mang lại môi trường làm việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí vận hành, thúc đẩy sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp, nhu cầu phát triển các khu công nghiệp đẳng cấp, chất lượng cao tại Việt Nam cũng tăng mạnh.
Ông Ling Foong, Giám đốc Phát triển bền vững Frasers Property Vietnam chia sẻ về việc hướng tới phát triển mô hình công nghiệp đẳng cấp, chất lượng cao. Ảnh: dienđanoanhnghiep.vn |
Trong khuôn khổ Diễn đàn, chia sẻ về vấn đề này, ông Ling Foong, Giám đốc Phát triển bền vững Frasers Property Vietnam cho biết, hành trình phát triển của khu công nghiệp trải qua 4 giai đoạn chuyển đổi từ khu công nghiệp cơ bản thành mô hình công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh để có thể đáp ứng các yếu tố sản xuất, sinh hoạt, nghỉ ngơi và giải trí.
Trong giai đoạn đầu tiên, sự phát triển của cơ sở vật chất công nghiệp xuất phát từ yếu tố cơ bản nhất gồm hệ thống phụ trợ điện, nước, phòng cháy chữa cháy và hệ thống giao thông chủ yếu phục vụ cho sản xuất.
Giai đoạn 2, khu vực sản xuất phát triển ở mức cao hơn khi được xây dựng để trở thành một phần của phát triển đô thị. Các khu công nghiệp hướng tới việc thu hút những lao động có trình độ tay nghề, tạo dựng môi trường làm việc, khu vực mua sắm, sinh hoạt an toàn cho công nhân và nhân viên trong khu công nghiệp.
Giai đoạn 3 của khu công nghiệp mang đến tổ hợp đa dạng và năng động gồm chuỗi cơ sở vật chất công nghiệp bao quát cũng như dịch vụ an sinh như giáo dục, y tế, khách sạn, giải trí và công nghệ thông tin.
Không gian khu công nghiệp ở giai đoạn này thường được ví như thành phố công nghiệp và thu hút lao động có chất lượng tay nghề cao. Việc thực thi tiêu chuẩn xanh hóa khu công nghiệp là điều tất yếu để mang đến môi trường sống và làm việc an toàn, bền vững cho người lao động và mọi thế hệ gia đình sinh sống, làm việc, học tập và nghỉ ngơi...
Đây cũng là tiền đề cho giai đoạn 4 - khu công nghiệp đô thị vệ tinh thông minh, thực hành nhân tố bền vững. Không chỉ dừng lại là một phần tách biệt của không gian địa phương, cơ sở vật chất công nghiệp vệ tinh thông minh có khả năng liên kết và tích hợp các không gian đô thị, là nơi tạo mọi nguồn cảm hứng để các công dân tại đây có thể biến các sáng kiến thành sản phẩm.
Các không gian công nghiệp này được kiến tạo dựa trên các yếu tố bền vững chuẩn mực, thể hiện ngay từ bước thiết kế, chọn nguyên vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tận dụng không gian chiếu sáng tự nhiên tối ưu để giảm hiệu suất điện sử dụng cho doanh nghiệp. Không gian công nghiệp được kiến tạo để có thể truyền cảm hứng, xây dựng một cộng đồng cởi mở, năng động và kích thích sự sáng tạo.
Ông Ling Foong cho biết thêm, các cơ sở công nghiệp của Frasers Property Vietnam hướng tới mục tiêu chiến lược vượt qua giai đoạn 2 và từng bước đạt tới giai đoạn 3 và 4 để kiến tạo các khu công nghiệp bền vững và thông minh; cung cấp dịch vụ khác trong khu công nghiệp như sân chơi thể thao ngoài trời, các không gian để người lao động và nhân viên nghỉ ngơi, trao đổi ý tưởng.